“Gặp gỡ Việt Nam” 2016 - Nơi hội tụ các nhà khoa học danh tiếng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà khoa học danh tiếng thế giới và hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước, nhà quản lý sẽ tham dự Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII năm 2016 để bàn về vật lý và nghiên cứu cơ bản.

Sáng 3/6, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ KH&CN, tỉnh Bình Định tổ chức buổi họp báo chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII năm 2016 sẽ được tổ chức tại Bình Định từ ngày 26/6 đến ngày 17/12.

Dự kiến có khoảng 1.661 đại biểu tham gia 12 hội nghị và 3 lớp học vật lý chuyên ngành. Trong đó điểm nhấn trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” năm nay là hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản” diễn ra từ 7-8/7 tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn, Bình Định. Hội thảo khoa học này là sự kiện tạo cơ hội để các nhà khoa học tương tác, trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và các đại diện của khu vực kinh tế tư nhân vầ tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của xã hội.
Toàn cảnh buổi họp báo chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII năm 2016.
Toàn cảnh buổi họp báo chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII năm 2016.
Theo đó, hội thảo quốc tế này hứa hẹn có sự hội tụ một số giáo sư đoạt giải Nobel như: GS David J.Gross (Nobel Vật lý năm 2004); GS Kurt Wuthrich (Nobel Hóa học năm 2002) - ĐH RTH Zurich (Thụy Sĩ) và Ella (Mỹ); GS Finn E.Kydland (Nobel Kinh tế năm 2004); GS Jerome I.Friedman (Nobel Vật lý năm 1990); GS Carlo Rubbia (Nobel Vật lý năm 1984) công tác tại Tổ chức nghiên cứu nguyên tử châu Âu; GS Richard R.Schrock (Nobel Hóa học năm 2005); GS Sheldon Glashow (Nobel Vật lý năm 1979) - ĐH Harvard; GS Francois Englert (Nobel Vật lý năm 2013).

Ngoài ra, còn có nhiều nhà khoa học danh tiếng trên thế giới, các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý khoa học, các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn xây dựng và phát triển dựa trên KH&CN, như: Viện quốc tế Solvay và Tập đoàn Solvay (Brussels, Bỉ), Tổ chức nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN); Tập đoàn Airbus, Tập đoàn Valéo, Tập đoàn SANOFI… 

Bên cạnh đó là sự trở về của các giáo sư danh tiếng Việt Nam trên thế giới, như: GS Ngô Bảo Châu - Huy chương Field Toán học năm 2010, ĐH Chicago (Mỹ); GS Đàm Thanh Sơn - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, ĐH Chicago, GS. Trịnh Xuân Thuận (NASA, Mỹ), GS. Phạm Quang Hưng (Đại học Virgina, Mỹ), TS. Nguyễn Trọng Hiền (NASA, Mỹ)... 

Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, đây là sự kiện rất quan trọng, là dịp để giới thiệu các kết quả nghiên cứu cơ bản, vật lý trong nước với các nhà khoa học danh tiếng từng đoạt giải Nobel của thế giới.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, ngay từ khi xây dựng đất nước vấn đề này đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tiên. Kết quả là Việt Nam đã có những nhà khoa học, những kết quả nghiên cứu cơ bản sánh tầm với khu vực."Từ năm 1991, Bộ KH&CN đã tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp triển khai các chương trình khoa học công nghệ nghiên cứu cơ bản về toán học, vật lý, cơ học… Để tạo cho các nhà khoa học tăng cường nghiên cứu của mình, Bộ đã thành lập hội đồng khoa học tự nhiên huy động các nhà khoa học đầu ngành các lĩnh vực để tư vấn cho công tác quản lý của Bộ KH&CN. Có thể nói một chặng dài phát triển Việt Nam đã đào tạo được nhiều nhà khoa học đầu ngành về nghiên cứu cơ bản, tăng cường công bố kết quả nghiên cứu cơ bản trong nước và quốc tế" - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

Ông Chu Ngọc Anh cũng cho biết thêm, để tạo môi trường cho các nhà khoa học trong nhiều năm qua Bộ KH&CN đã đồng hành cùng Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành (ICISE). Tại đây đã diễn ra nhiều chương trình gặp gỡ các nhà khoa học trong nước và quốc tế thông qua đó tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ có môi trường để học hỏi và hội nhập quốc tế. Từ đó nâng cao tinh thần khoa học cho giới trẻ.

Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII là một trong những hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam được thành lập từ năm 2013 (hội là thành viên chính thức của UNESCO) nhằm mục đích tham gia vào chương trình phát triển khoa học và giáo dục quốc gia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần