Quận Đống Đa:

Gặp mặt nhân chứng lịch sử chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/12, tại trường THCS Phương Mai, phường Phương Mai (quận Đống Đa) đã tổ chức Giao lưu, gặp mặt nhân chứng lịch sử và giáo dục truyền thống nhân Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Tại buổi giao lưu, gặp mặt, các cán bộ, giáo viên và học sinh trường THCS Phương Mai đã được giao lưu, trò chuyện, trao đổi với Thượng tá Trịnh Thị Khuyến Lương - Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng B-52.

Qua cuộc giao lưu, trò chuyện, một số vấn đề xung quanh bối cảnh Mỹ đưa không quân ném bom Hà Nội, Hải Phòng; sức mạnh quân sự của Mỹ, số lượng máy bay B-52 được huy động; lực lượng, sự chỉ đạo và cách đánh của quân đội và Nhân dân ta; thất bại của Mỹ; nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”… đã lần lượt được truyền đạt tới cán bộ, giáo viên và học sinh trường THCS Phương Mai.

Quang cảnh buổi giao lưu, gặp mặt tại trường THCS Phương Mai.
Quang cảnh buổi giao lưu, gặp mặt tại trường THCS Phương Mai.

Theo đó, cách đây vừa tròn 50 năm, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu, quân và dân miền Bắc mà nòng cốt là lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân đã tiến hành chiến dịch phòng không vào những ngày cuối tháng 12/1972, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng phụ cận, làm nên chiến thắng vĩ đại “có một không hai” trong lịch sử - “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội.

Chiến thắng đã đập tan huyền thoại “pháo đài bay” của lực lượng không quân hiện đại bậc nhất thế giới. Cùng với những thắng lợi to lớn đạt được trên chiến trường miền Nam của quân và dân ta, chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đặc biệt, qua chia sẻ của nhân chứng lịch sử là bà Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1947) - nguyên là Đội phó Đội tự vệ bệnh viện Bạch Mai đã cho thấy cuộc chiến đấu ngoan cường và oanh liệt trong 12 ngày đêm của quân và dân Hà Nội với pháo đài bay B-52 của Mỹ có thể coi là “cuộc đụng đầu lịch sử điển hình nhất”, có ý nghĩa và nhiều tác động sâu sắc về chính trị, quân sự cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Qua chiến thắng này, Việt Nam đã để lại cho nhân loại yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức niềm tin bất diệt về sức mạnh chính nghĩa, lòng yêu nước, tinh thần và ý chí tự lập tự cường, quyết tâm giành độc lập thống nhất đất nước trong thời đại mới.

Theo Chủ tịch UBND phường Phương Mai Bùi Thị Hằng Nga, thực hiện kế hoạch của quận Đống Đa, UBND phường đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng “ Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972 – 18/12/2022) trên địa bàn phường với các hoạt động cụ thể như: Tuyên truyên trên hệ thống loa phường, các nhóm Zalo, Facebook về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không”; Tổ chức vận động, phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai thực hiện chỉnh trang địa điểm sự kiện lịch sử tại Bệnh viện Bạch Mai; Tổ chức gặp mặt, giao lưu với nhân chứng lịch; Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc quận, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức các hoạt động dâng hương, tưởng niệm tại địa điểm sự kiện lịch sử Bạch Mai; Phối hợp với trường THCS Phương Mai tổ chức thăm quan, giới thiệu địa điểm sự kiện lịch sử tại Bệnh viện Bạch Mai…

Các nhân chứng lịch sử cùng học sinh trường THCS Phương Mai thăm quan tranh tư liệu về Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.
Các nhân chứng lịch sử cùng học sinh trường THCS Phương Mai thăm quan tranh tư liệu về Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Mục đích nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, Đảng viên, Hội viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân, lực lượng về Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng lịch sử, có ý nghĩa thời đại thể hiện sâu sắc ý chí độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam và truyền thống đánh giặc giữ nước vẻ vang của quân và dân ta, nhất là của Quân chủng Phòng không – Không quân.

Qua đó ôn lại truyền thống vẻ vang, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bồi dưỡng tình cảm yêu nước, vận dụng những bài học kinh nghiệm vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…