Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gấp rút đẩy vốn ra nền kinh tế

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, ngày 6/8/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bất ngờ thông báo về việc giảm một loạt lãi suất điều hành. Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thừa tiền, việc giảm lãi suất tiền gửi sẽ khuyến khích các nhà băng cung tiền ra thị trường.

Hoạt động nghiệp vụ tại VietcomBank, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Mục tiêu kép thúc đẩy tín dụng, hạ lãi suất
NHNN thông báo, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,5%/năm, giảm 0,5% so với mức lãi suất trước. Lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND duy trì 0%/năm. Lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô tại NHNN cũng giảm 0,2% xuống 0,8%/năm. Ngoài ra, mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại NHNN xuống còn 0,8%/năm (giảm 20 điểm cơ bản so với thời điểm điều chỉnh gần nhất ngày 16/3).
TS Quách Mạnh Hào đánh giá, động thái của NHNN sẽ dẫn tới 2 hệ quả. Thứ nhất là hệ thống ngân hàng sẽ nhận ít lãi hơn từ tiền gửi dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều bởi các ngân hàng có thể điều chỉnh quy mô lượng dự trữ bắt buộc. Thứ hai, lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc tiếp tục bằng không, sẽ khuyến khích ngân hàng cho vay nhiều hơn.
Tính đến hết tháng 7/2020, huy động vốn tăng trên 5,4%, tín dụng toàn hệ thống tăng trên 3,5% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,13%). Tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng năm 2020 chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tín dụng vẫn đang ách tắc. Các ngân hàng đang có thanh khoản tiền gửi lớn trong khi cho vay kém. “Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thừa tiền, việc giảm lãi suất khi gửi tại NHNN sẽ khuyến khích các ngân hàng cung tiền ra thị trường” - TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.
Cùng đó, NHNN cũng đã đưa khả năng giãn lộ trình siết tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, lùi thêm 6 tháng hoặc một năm… là một cách để hỗ trợ cho các ngân hàng tăng thêm nguồn lực đẩy vốn ra nền kinh tế.
Một số lãnh đạo ngân hàng cho rằng, việc hạ lãi suất các khoản tiền gửi tại NHNN cũng chính là động thái giảm chi cho ngân sách. Vì thực tế, bên phải trả lãi suất cho lượng tiền gửi dự trữ bắt buộc là NHNN, hay nói cách khác là tiền ngân sách Nhà nước. Điều này đồng nghĩa thu nhập của các tổ chức tín dụng (TCTD) từ tiền gửi dự trữ bắt buộc gửi tại NHNN theo đó sẽ bị giảm theo, buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động về mức thấp, hướng đến giảm lãi suất cho vay.
Tháo gỡ rào cản để tiếp cận vốn
Đầu tháng 8, lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng tiếp tục giảm so với tháng trước. Trong ngày 10/8, Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đồng loạt giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 3,7%/năm xuống 3,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,0% xuống 3,8%, lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm từ 4,60%/năm xuống 4,50%/năm. Tại các ngân hàng khác, lãi suất tiền gửi cũng được đồng loạt điều chỉnh từ đầu tháng 8 với mức giảm phổ biến 0,2 - 0,3 điểm %, một số giảm đến 0,5 điểm % tùy vào các gói tiền gửi cũng như số lượng tiền gửi. Riêng mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Bất chấp mặt bằng lãi suất đã giảm, và dịch Covid-19 quay trở lại Việt Nam đã khiến triển vọng tăng trưởng tín dụng trong quý III/2020 càng trở nên kém lạc quan. Nhu cầu vay vốn của DN khá yếu trong bối cảnh thị trường chưa có đầu ra. Bên cạnh đó theo nhiều DN, lãi suất hiện vẫn còn quá cao so với khả năng chống chịu của họ.
Bối cảnh hiện nay theo các chuyên gia là cơ hội để ngành ngân hàng cắt giảm thêm lãi suất, hạ mặt bằng chi phí tài chính cho DN, nhất là trong bối cảnh lạm phát, tỷ giá ổn định như hiện nay. Giới chuyên môn nhận định, việc các ca lây nhiễm Covid-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng từ cuối tháng 7 có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh doanh. Do đó, 2 quý cuối năm NHNN cần tập trung vào việc tháo dỡ các rào cản tiếp cận vốn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bên cạnh việc cố gắng giảm lãi suất điều hành như trong 6 tháng đầu năm.
Nếu như trước đây Kho bạc Nhà nước chưa sử dụng tiền để giải ngân có thể gửi tại các ngân hàng thương mại thì nay với quy định giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Kho bạc sẽ phải thu hồi về, qua đó đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 
TS Võ Trí Thành
Trong văn bản gửi các TCTD về việc triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020, NHNN yêu cầu: Chủ động tham mưu cho UBND các tỉnh, TP đa dạng các hình thức tổ chức kết nối ngân hàng - DN để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh cho DN, người dân trong tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng. NHNN sẽ đẩy mạnh việc tháo gỡ các rào cản khiến DN khó tiếp cận vốn sau Covid-19, tiếp tục nới room tín dụng cho các ngân hàng, thậm chí tái cấp vốn cho các dự án đầu tư công có độ lan tỏa cao…