Gây dựng “sếu đầu đàn” trong kinh tế tư nhân

Thảo Nguyên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gây dựng “sếu đầu đàn” được xem là bước đi có tính chất quyết định để hướng đến mục tiêu phát triển lực lượng DN Việt Nam ngày càng vững mạnh, trở thành nòng cốt của nền kinh tế đất nước...

Về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị có cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

Doanh nghiệp tư nhân lớn đếm trên đầu ngón tay

Theo nghiên cứu về 500 DN tư nhân (VPE500) có quy mô lớn nhất của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT), nhóm VPE500 của Việt Nam chưa trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng. Một số DN tư nhân Việt Nam lọt vào nhóm trên 1 tỷ USD nhưng số lượng chưa nhiều và các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia trong khu vực. Ông nhận xét sao về đánh giá này?

- Sự mong đợi của chúng ta chính là làm sao có nhiều tập đoàn kinh tế lớn, những tập đoàn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nhưng thực tế chúng ta cũng thấy, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, mà có thể kể đến như VinGroup, Thaco, FPT, Vietjet Air, Hòa Phát, Vinamilk, Thaco… Đếm đi đếm lại cũng chỉ chừng 10 cái tên để có thể gọi là những DN tư nhân đóng vai trò nắm giữ các thương hiệu lớn của quốc gia.

Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

Một điểm rất đáng lưu ý được báo cáo của NCIF chỉ ra là năng suất lao động (NSLĐ) của VPE500 không tăng nhanh như quy mô. Điều này cho thấy nhóm DN lớn đang phát triển dựa trên mở rộng sản xuất hơn là theo chiều sâu. NSLĐ của VPE500 chỉ tăng khoảng 5,3%/năm, không quá vượt trội so với DN trong nước khác và thấp hơn tốc độ tăng trưởng NSLĐ của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN nhà nước.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thiếu trầm trọng các DN cỡ vừa và cỡ lớn, để trở thành các kênh kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trực tiếp tham gia vào thị trường quốc tế. Quy mô nhỏ, tính phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp… vẫn đang là thực trạng phổ biến của các DN tư nhân Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng, lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn kinh tế và DN thuộc khu vực tư nhân mới chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như dịch vụ, bất động sản… Do vậy, thiếu vắng một lực lượng DN “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” DN Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế... Ông có đồng tình với quan điểm này không?

- Một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã được hình thành, nhưng chưa có tập đoàn tư nhân quy mô lớn, có năng lực thực sự trong lĩnh vực công nghệ. Điều này dẫn đến sự hạn chế trong việc dẫn dắt các DN khác thực hiện thay đổi tổ chức sản xuất - kinh doanh theo hướng hiện đại...

Vừa rồi Tập đoàn CMC về phần mềm vừa khánh thành trung tâm dữ liệu Data Center được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự, tôi nghĩ là những DN này còn ít nhưng đã xuất hiện và đáng trân trọng.

Phần lớn các DN tư nhân của chúng ta đúng là lớn lên nhờ kinh doanh đất và ăn chênh lệch giá đất, tôi nghĩ họ cần tích luỹ được vốn và bước đi ban đầu của họ là tận dụng đất đai, điều đó cơ chế cho phép họ, không có gì là bất hợp pháp. Sắp tới đây, Nhà nước cần phải điều chỉnh lại quy định và khuyến khích động viên để có thể chuyển đổi mạnh mẽ hơn sang các lĩnh vực khác như công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp thông minh…

Xử lý tận gốc những vấn đề cũ

Bộ KH&ĐT cho biết, thời gian vừa qua, số lượng các DN tư nhân từ nhỏ vươn lên quy mô vừa và từ vừa vươn lên quy mô lớn tại Việt Nam rất hiếm. Theo VCCI, điều này đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế của những DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với tỷ lệ xấp xỉ 96%. Thực trạng này nói lên điều gì? Nếu cứ như vậy, kinh tế Việt Nam sẽ ra sao?

- Khu vực kinh tế tư nhân thiếu sự liên kết, khó tạo ra tiếng nói chung để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế; thêm nữa, trình độ quản lý của các chủ DN còn thấp. Trong điều kiện hội nhập như hiện nay, với kiểu kinh doanh như trên sẽ không còn phù hợp do hiện nay nó là rào cản sự phát triển của DN; năng lực công nghệ của các DN còn lạc hậu, đầu tư của DN cho đổi mới công nghệ thấp; DN tư nhân luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh, đặc biệt là đối với các DN ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Nền kinh tế Việt Nam, lệ thuộc nhiều vào khu vực FDI, khi thành phần kinh tế này chiếm trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp và trên 70% giá trị xuất khẩu. Với độ mở kinh tế lớn, nhưng quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn, buộc chúng ta phải xây dựng nền kinh tế tự chủ để chống chọi các tác động bên ngoài. Nếu không xây dựng hệ thống DN, nền kinh tế sẽ không phát triển nổi và rất dễ bị “tổn thương” từ bên ngoài.

Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc..., khối tư nhân được coi là lực lượng chính đóng góp vào việc kiến tạo nên nền kinh tế tầm cỡ thế giới. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có nhiều hơn nữa những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, đóng góp cho sự lớn mạnh của nền kinh tế?

- Các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đều xác định kinh tế tư nhân là động lực, là xương sống của nền kinh tế. Nhờ vậy, giai đoạn đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đều đạt hai con số, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Chúng ta thiếu những đại gia, những tập đoàn lớn như Intel, Samsung.

Để Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng cần nhiều hơn nữa những DN tư nhân lớn mạnh, những tập đoàn khổng lồ với thương hiệu mạnh mang tầm quốc tế.

Cần khuyến khích các DN lớn đầu tư để cải tạo năng suất, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu. Có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết DN; khuyến khích DN lớn, DN nhà nước, DN FDI liên doanh, liên kết với các DN vừa và nhỏ trong nước; đồng thời nâng cao năng lực DN tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Cần khuyến khích và tạo phong trào để từng địa phương xây dựng được các DN tư nhân hàng đầu của mình dựa trên những lợi thế địa phương và vươn tầm hoạt động trên phạm vi cả nước.

Từ thực tiễn phát triển mấy trăm năm của kinh tế thị trường trên thế giới cùng những thành công và chưa thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế, cho thấy chỉ khi kinh tế tư nhân được phát triển theo đúng các quy luật của kinh tế thị trường thì mới có dân giàu, nước mạnh. Tuy nhiên, điều kiện đủ của mục tiêu cao cả này là sự vận hành khoa học của thể chế Nhà nước.

“Chắp cánh” để tập đoàn tư nhân vươn mình ra thế giới

Nói về thể chế, khảo sát của VCCI mới đây cho thấy, một vấn đề mà DN lớn lo ngại là rủi ro về thay đổi chính sách. Theo ông, cần đột phá về thể chế, chính sách như thế nào?

- Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT hoàn thiện Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” nhằm đổi mới tư duy quản lý nhà nước để thúc đẩy khu vực DN tư nhân Việt Nam phát triển với việc Nhà nước coi DN vừa là khách hàng được phục vụ, vừa là đối tượng quản lý. Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện…

Đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới. Chúng ta cần mạnh mẽ cắt bỏ những thủ tục gây cản trở cho DN chứ không chỉ “đơn giản hóa” thủ tục. Các chính sách của Nhà nước phải công khai minh bạch.

Trong trung và dài hạn, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy DN khu vực tư nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường sự kết nối, liên kết theo chuỗi giá trị giữa DN khu vực tư nhân với DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Chính phủ nên thúc đẩy các dự án đầu tư công, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân, tham gia mua cổ phần của các DN Nhà nước hay tham gia vào các dự án của Nhà nước và các gói thầu mua sắm công… Tạo điều kiện thuận lợi cho DN tư nhân tham gia triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển ngành, địa phương và quốc gia, nhất là các công trình, dự án đầu tư lớn, quan trọng...

Chính phủ đặt mục tiêu 5 năm tới có 1,5 triệu DN, đến 2030 kinh tế tư nhân đóng góp 60 - 65%. Giai đoạn 2025 - 2030, chúng ta có khoảng vài ba chục “sếu đầu đàn” vươn xa ra thế giới. Theo ông, mục tiêu này có đạt được?

Hiện có gần 900.000 DN đang hoạt động, so với 98 triệu dân thì đó là tỷ lệ rất thấp. Khu vực tư nhân còn nhiều dư địa để phát triển.

Tất nhiên, chúng ta tính tới là 1,5 triệu DN thực sự, DN quy mô và hoạt động hiệu quả, chứ không phải đếm số lượng. Đồng thời, phải nỗ lực đẩy mạnh khu vực hộ kinh doanh (hiện nay khoảng trên 5 triệu hộ) chiếm tỷ trọng 30% trong cơ cấu GDP của toàn bộ nền kinh tế phát triển trở thành DN.

Xin cảm ơn ông!

 

"DN đầu tàu “sếu đầu đàn” không chỉ là một sự công nhận mà còn là trọng trách với vai trò mở đường, dẫn dắt sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Gắn với nó là khát vọng phát triển đất nước.

Với sứ mệnh "chim đầu đàn", phải thể hiện bản lĩnh có thể đảm nhận vai trò dẫn dắt các ngành kinh tế trở thành đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của nhiều ngành mũi nhọn; nâng tầm thương hiệu Việt, kiên định với sứ mệnh nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt.

Đặc biệt, sau khi hoàn thành chuỗi giá trị, tìm ra mô hình phù hợp sẽ chuyển giao công nghệ, mô hình để những DN nhỏ hơn được tham gia vào chuỗi giá trị bền vững. Song song với đó, các DN phải có ý thức vươn lên sáng tạo, có tâm huyết, có năng lực về vốn, sáng tạo, hoài bão và văn hóa." - TS. Lê Đăng Doanh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần