Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gay gắt ở hai thái cực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng ngày 8/5, tạp chí Tia sáng và Không gian sáng tạo Trung Nguyên đã tổ chức buổi thuyết trình với chủ đề "Đàn Xã Tắc có đáng được bảo tồn hay không".

Có lẽ vì câu chuyện bảo tồn Đàn Xã Tắc đã "nóng" trong công luận suốt thời gian qua, nên buổi thuyết trình đã thu hút rất đông các nhà nghiên cứu văn hóa, khảo cổ học, lịch sử và kiến trúc sư...

Trong hơn 2 giờ đồng hồ, các nhà khoa học đã tập trung vào cuộc tranh luận khá gay gắt giữa 2 luồng ý kiến về sự tồn tại của Đàn Xã Tắc ở ngã năm Ô Chợ Dừa.

Với vai trò là TS sử học, người từng phụ trách khai quật khảo cổ di tích Đàn Xã Tắc tại ngã năm Ô Chợ Dừa hồi năm 2006, ông Nguyễn Hồng Kiên đã làm "nhân vật chính" tại buổi thuyết trình.
 
 

Gay gắt ở hai thái cực - Ảnh 1

Khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa thường xuyên xảy ra ùn tắcgiao thông. Ảnh: Đức Giang
 

Theo một số căn cứ về sử học còn ghi trong Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư; các di vật khai quật được; hiện trạng khu vực ngõ Xã Đàn, cùng nghiên cứu phối hợp với cơ quan địa chất, ông Kiên khẳng định, tại khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa xuất hiện nhiều dấu vết của Đàn Xã Tắc thời Lý và một phần dấu vết của Đàn Xã Tắc thời Trần. Vì thế ông cho rằng, phương án xây cầu vượt hiện nay trùm lên khu vực mà Viện Khảo cổ Việt Nam đã từng khai quật. Hơn nữa, bề mặt phát lộ di tích chỉ cách mặt đất hiện nay từ 0,8 đến 1,2m. Chính vì vậy, mọi hoạt động của xã hội hiện đại đều có nguy cơ xâm hại đến di tích.

Cùng quan điểm với TS Nguyễn Hồng Kiên, KTS Lương Tiến Dũng, PGS.TS Nguyễn Văn Thuận, TS Trần Thị Kim Anh đã đưa ra những căn cứ kiến trúc, căn cứ văn bia từng tồn tại ở đình Đông Tác và khái niệm về Đàn Xã Tắc từng được các nhà khoa học nghiên cứu phát hiện ở Huế, Thanh Hóa... để khẳng định trong khu vực Xã Đàn hiện nay đã từng tồn tại Đàn Xã Tắc. Do tác động của đời sống hiện đại với những công trình xây dựng khiến dấu tích của Đàn Xã Tắc đang ngày càng mất dần.

Đối lập với quan điểm trên, theo sát quá trình khảo cổ Đàn Xã Tắc suốt 8 năm nay, cùng với việc nghiên cứu tỷ mỉ từng tiêu chí của Đàn Xã Tắc trong cứ liệu lịch sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ lại cho rằng, khu vực chính của Đàn Xã Tắc nằm ở xã Hồng Mai, huyện Thanh Đàn (khu vực Bệnh viện Bạch Mai ngày nay).

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Nguyễn Văn Hảo cũng khẳng định, cuộc khai quật khảo cổ ở ngã năm Ô Chợ Dừa năm 2006 không có di vật nào khẳng định nơi đó có dấu tích của Đàn xã Tắc.

Tất cả các ý kiến tranh luận dường như khó đi đến hồi kết, song các nhà khoa học đều cùng chung quan điểm là chúng ta cần bảo vệ di tích mà cha ông từng xây dựng nên. Song, bảo vệ và ứng xử như thế nào thì rất cần những chứng cứ khoa học rõ ràng để việc bảo tồn không ảnh hưởng đến quá trình phát triển.

 
Tại buổi thuyết trình này, nhiều nhà khoa học đề xuất phương án mở rộng diện tích khai quật để khẳng định việc có hay không sự tồn tại của di tích cũng như đưa ra các giải pháp kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển Và nói như ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: "Chúng ta cần phải bảo tồn Đàn Xã Tắc nhưng phải xác định cái gì là di tích, cái gì là ước lượng. Khi chúng ta chưa sờ thấy di tích thì không thể đưa ra những công bố khẳng định, gây hoang mang trong công chúng".