Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GDP có thể tăng thêm 1,1% hàng năm nếu thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam cần chuyển hướng chiến lược sang nền kinh tế dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo, đồng thời tận dụng tối đa lợi thế dân số vàng hiện có để duy trì tăng trưởng chất lượng cao trong thập kỷ tới.

Đây là một trong những kiến nghị đáng chú ý được đưa ra tại hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045” do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì tại Hà Nội diễn ra sáng 20/3.
Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách tập trung nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo
GDP phải từ 7,0 - 7,5% để tránh bẫy thu nhập trung bình
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện, nhằm tìm ra một mô hình tăng trưởng kinh tế mới để giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế chất lượng cao trong giai đoạn 2021 - 2030. Báo cáo đã đề xuất mô hình kinh tế mới cho Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030 chú trọng vào 3 lĩnh vực đột phá: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần doanh nhân, phát triển nguồn vốn con người, và xây dựng thể chế hiện đại.
“Nghiên cứu này sẽ tạo tiền đề đưa nền kinh tế Việt Nam bước vào một chương mới trong câu chuyện tăng trưởng của mình”, ông Craig Chittick - Đại sứ Australia tại Việt Nam nói. “Đây sẽ là một giai đoạn Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thực hiện các bước cải cách mạnh mẽ, và qua đó giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình”, ông Craig Chittick nói thêm.
Các chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam muốn tránh được bẫy thu nhập trung bình thì phải duy trì được mức tăng trưởng từ 7,0 đến 7,5% hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2030, cao hơn so với mức trung bình 6,3% trong 10 năm vừa qua.
“Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ đột phá mang đến cả thách thức và cơ hội, tôi muốn gọi đó là Đổi mới 4.0”, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nói.
Để giảm nhẹ các rủi ro này và tận dụng triệt để cơ hội mới, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách tập trung nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo, coi đây là những động lực tăng trưởng chủ yếu trong thập kỷ tới.
“Việt Nam sẽ phải thực hiện các bước loại bỏ các nút thắt đang cản trở đầu tư tư nhân, tăng cường năng lực cho các thể chế công, cũng như đầu tư vào những kỹ năng mà lực lượng lao động cần có trong thế kỷ 21”, theo ông Ousmane Dione.
Mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất, đổi mới sáng tạo
TS Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng mô hình tăng trưởng thâm dụng lao động, dựa trên xuất khẩu mà Việt Nam đã theo đuổi giai đoạn 2011 - 2020 đã trở nên lỗi thời trong bối cảnh CMCN 4.0 và các yếu tố mới khác như các chuỗi giá trị toàn cầu đã phát triển gần hoàn thiện, tình trạng thoát công nghiệp hóa sớm và ngành dịch vụ ngày càng có vai trò lớn hơn.
TS Ngoạn khẳng định động lực tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới chính là sự đột phá về tăng năng suất.Và đặc trưng của mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 sẽ là: Chuyển dần từ thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn và tri thức; chuyển dần từ lượng sang chất; thúc đẩy công nghệ, sáng tạo, tinh thần doanh nhân chiếm vị trí trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng.
Dựa trên các phân tích trên, TS Vũ Viết Ngoạn đã đưa ra mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030. So với mô hình cũ, điểm khác biệt của mô hình mới là giai đoạn “thu nhập trung bình thấp” và giai đoạn “thu nhập trung bình cao” được bổ sung thêm các yếu tố mới.
Cụ thể, ở giai đoạn “thu nhập trung bình thấp”, mô hình cũ chỉ nhấn mạnh tới việc tích lũy vốn, trong khi đó mô hình mới có thêm yếu tố tích lũy năng lực công nghệ. Ở giai đoạn “thu nhập trung bình cao”, mô hình cũ chỉ nói tới tích lũy năng lực công nghệ còn mô hình mới bổ sung thêm yếu tố “bán thâm dụng vốn, công nghệ”.
TS Ngoạn nhấn mạnh yếu tố then chốt của mô hình tăng trưởng mới là tích lũy năng lực công nghệ và tích lũy vốn; trọng tâm chính sách là xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Đổi mới sáng tạo được hiểu là sử dụng tri thức để phát triển và ứng dụng ý tưởng mới, thay đổi sản xuất và quản lý, thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đổi mới sáng tạo bao hàm cả tiếp thu, phát minh, truyền bá, ứng dụng tri thức một cách có hiệu quả, qua đó nâng cao hiệu quả, năng suất, sức cạnh tranh của quốc gia/doanh nghiệp.
Theo TS Ngoạn, nếu thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, GDP năm 2030 của Việt Nam có thể tăng thêm 60,6 tỷ USD; còn tới năm 2045, GDP có thể tăng thêm 168,6 tỷ USD, tăng thêm 1,1% hàng năm.