“GDP cứ tăng trưởng 1%, ô nhiễm môi trường lại “đánh tụt” 3%”

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông tin được ông Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Môi trường công bố tại Lễ công bố "Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2011-2015". Báo cáo được Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tổ chức chiều 29/9.rn

Môi trường trong 5 năm biến đổi

Thực thi Luật Bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT lập báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia 5 năm một lần. Báo cáo được xây dựng gồm 10 chương, trong đó, tại 2 chương cuối đã tập trung phân tích thực trạng công tác quản lý môi trường, những khó khăn, thách thức mà Việt Nam chưa thể giải quyết. Đồng thời, tổng kết những vấn đề môi trường nổi cộm, đồng thời đưa ra những định hướng cũng như đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường trong 5 năm tiếp theo.

Theo Bộ TN&MT, trong 5 năm qua, tại nhiều nơi chất lượng môi trường đang tiếp tục suy giảm. Tại các điểm, nút giao thông, công trường, khu vực xây dựng; ô nhiễm không khí có dấu hiệu gia tăng, nhất là ở đô thị lớn. Ô nhiễm và suy thoái chất lượng nước tiếp tục xảy ra ở vùng trung lưu và hạ lưu (đặc biệt là các đoạn chảy qua khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề), thậm chí cả khu vực nông thôn.
 Toàn cảnh lễ công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, giai đoạn 2011-2015 chiều 29/9

Chất lượng nước biển ven bờ bị ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực do ảnh hưởng của các hoạt động phát triển kinh tế ven biển. Đặc biệt, sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4 vừa qua, diễn ra trên diện rộng, gây hậu quả lớn về kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai và các vấn đề môi trường xuyên biên giới có xu hướng gia tăng, phức tạp, đặt ra yêu cầu cần tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường… “Thời gian qua, GDP cứ tăng trưởng 1%, thì ô nhiễm môi trường lại “đánh tụt” 3%”, ông Hoàng Dương Tùng nói.

Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng TN&MT Võ Tuấn Nhân thẳng thắn: “Công tác bảo vệ môi trường của chúng ta vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Thực tế, hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ, dẫn tới sự gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh. Tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn tới ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, một số nơi rất nghiêm trọng.”

Những góp ý thẳng thắn

PGS – TS Phạm Quang Hà, Viện phó Viện Môi trường Nông nghiệp đặt câu hỏi: “Xem qua, báo cáo có vẻ rất “đẹp”; nhưng cần làm rõ trong 5 năm vừa qua, môi trường đẹp hay xấu đi?”

Đồng quan điểm với ông Hà, GS Hoàng Xuân Cơ – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng: “Cần phải có đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường một cách chính xác để người dân hiểu. Nếu đánh giá như trong báo cáo là có phần…nguy hiểm vì người dân không đủ kiến thức để hiểu chính xác các khái niệm khoa học.”
 Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 dài 244 trang với 10 chương đề cập cụ thể các thách thức về môi trường mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

“Ví dụ như thời gian qua, số liệu quan trắc không khí của Sứ quán Mỹ nói môi trường Hà Nội bị ô nhiễm thủy ngân; vì vậy chúng ta cần có số liệu quan trắc đủ tin cậy để người dân yên tâm"- GS Hoàng Xuân Cơ nói tiếp.

Giải thích vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tài – Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng: “Nếu muốn có số liệu chính xác, các điểm quan trắc phải dày và tần suất nhiều lần trong 1 ngày…Để đạt được điều này cần nguồn lực, mà yếu tố này của chúng ta còn yếu!”

Theo GS Đặng Kim Chi – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng đây là báo cáo có chất lượng tốt vì đây là báo cáo hiện trạng chứ không phải phân tích. Tuy nhiên, báo cáo phải có những kiến nghị cụ thể để Chính phủ, Quốc hội đưa ra những chính sách cụ thể, phù hợp với thực trạng môi trường. “Theo tôi, trong 5 năm tới, cần tập trung vào giải quyết 3 vấn đề bức xúc của môi trường là ô nhiễm làng nghề, khu công nghiệp, suy giảm sinh thái và nước sông Mê – kông. Bộ TN&MT phải có kiến nghị để giải quyết những vấn đề cơ bản, trọng điểm; để 5 năm tiếp theo, chúng ta tập trung giải quyết những vấn đề khác” - GS Đặng Kim Chi phân tích.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần