Hội nghị lần này nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả để thống nhất tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chính trị, kinh tế - văn hóa – xã hội chăm lo đời sống nhân dân thành phố.
Ông Lê Hoàng Quân – Chủ tịch UBND TP cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế thành phố đã phục hồi với mức tăng trưởng khá, quý sau cao hơn quý trước, tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước đạt 417.064 tỷ đồng, tăng 8,55% so cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm liên tiếp.
Quang cảnh Hội nghị tại phiên khai mạc.
|
Trong 6 tháng cuối năm, thành phố đề ra 11 nhóm giải pháp tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội. Trong đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Tăng cường tiếp xúc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Đối với tình hình thực hiện Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 2014-2015, Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho biết, TP HCM là địa phương đầu tiên của cả nước khởi đầu Chương trình xóa đói giảm nghèo vào đầu năm 1992 (nay là Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá). Qua 23 năm thực hiện, chương trình đã trải qua 4 giai đoạn (1992-2003, 2004-2008, 2009-2013, 2014-2015) với 8 lần điều chỉnh nâng mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo tiêu chí bình quân thu nhập đầu người) phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của TP. Giai đoạn 2014 – 2015, TP xác định chuẩn hộ nghèo có thu nhập 16 triệu đồng/người/năm trở xuống; hộ cận nghèo có thu nhập trên 21 triệu đồng/người/năm.
Đến nay, đã có 5 quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo có thu nhập 16 triệu đồng/người/năm trở xuống; 105 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo và 5 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ cận nghèo. Với kết quả này, TP HCM đã hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo giai đoạn 2014 – 2015 trước thời hạn 1 năm (tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo dưới 3% tổng hộ dân TP).
Ông Hứa Ngọc Thuận cũng nhìn nhận, tốc độ giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2014 – 2015 tuy nhanh nhưng chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo. Điều này cho thấy, chuẩn nghèo nếu chỉ dựa vào thu nhập để xác định hộ nghèo thì chưa phù hợp với mức sống và điều kiện thực tế, nhất là trong bối cảnh phát triển của thành phố hiện nay. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hộ nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chương trình, chưa chí thú làm ăn hoặc không muốn ra khỏi chương trình.
Trong 6 tháng cuối năm 2015, TP HCM phấn đấu có thêm từ 10.000 – 15.000 hộ vượt chuẩn nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% tổng hộ dân thành phố.