GDP Nhật Bản đạt mức tăng trưởng cao trong quý III

Hà Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GDP Nhật Bản đạt mức tăng trưởng vượt bậc trong quý III/2016, nhờ sự phục hồi của ngành xuất khẩu.

Tuy nhiên, hoạt động chi tiêu trong nước lại cho thấy những bước đi xuống do người dân và giới đầu tư nghi ngờ về triển vọng cho sự phục hồi kinh tế bền vững của Nhật Bản. Theo báo cáo của chính phủ Nhật Bản, ngành xuất khẩu nước này đã cho thấy những bước phục hồi mong manh do tác động từ chiến thắng gây sốc của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. GDP của Nhật Bản trong quý III đã tăng 2,2%, nhanh hơn so với dự kiến ban đầu là 0,9%.

Những containner tại cảng Yokohama, phía Nam Tokyo, Nhật Bản.

“Xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi, song vấn đề chi tiêu cá nhân trong nước lại có xu hướng giảm. Sẽ có những rủi ro từ Trung Quốc và chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, do vậy chính phủ Nhật Bản cần phải chú ý tới từng động thái nhằm tránh nguy cơ tụt giảm”, Chuyên viên Kinh tế cao cấp Hidenobu Tokuda tại Viện nghiên cứu Mizuho nhận định.

Theo đó, chỉ số tiêu dùng cá nhân, chiếm khoảng 60% GDP của cả nước tăng 0,1% trong quý III, không có thay đổi so với quý II, một phần là do tác động từ các cơn bão và thời tiết xấu. Bên cạnh đó là những lo ngại rằng, chính sách kích thích kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn chưa thể tác động vào các hộ gia đình.

“Suy thoái kinh tế ở Trung Quốc và một số thị trường mới nổi trong khu vực châu Á là những tác động có ảnh hưởng tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chính phủ cần chú ý đến những rủi ro cũng như bất ổn từ nền kinh tế toàn cầu và biến động trên thị trường tài chính”, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara cho biết.

Trước đó, nền kinh tế Nhật Bản đã thất bại trong việc cải thiện tình hình năm 2016 do nhu cầu yếu trong nước và ở nước ngoài phục hồi chậm, buộc Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) một lần nữa đẩy lùi thời gian để đạt mục tiêu lạm phát 2%. Chính quyền  Thủ tướng Shinzo Abe đã tính đến chi phí đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân, đây là lĩnh vực cốt lõi để tăng trưởng kinh tế bền vững, song các DN đã chậm trễ đầu tư do nhu yếu và đồng yên tăng và những cơn gió ngược bên ngoài.