GDP quý I/2019 tăng 6,79%, thấp hơn cùng kỳ năm 2018

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011 - 2017 nhưng thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018 (7,38%).

Theo thông tin Tổng cục Thống kê công bố tại buổi họp báo sáng 29/3, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 3,97% của quý I/2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,2%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 5,1%, đạt mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong 9 năm trở lại đây, đóng góp 0,14 điểm phần trăm.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 4,9% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 43,9%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 8,95% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,14 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I/2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%, tuy thấp hơn mức tăng 14,3% của quý I/2018 nhưng cao hơn mức tăng quý I các năm 2012 - 2017, đóng góp lớn vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm với 2,72 điểm phần trăm.
Ngành khai khoáng quý I năm nay tăng trưởng âm (giảm 2,2%), làm giảm 0,15 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 10,3% và khí đốt tự nhiên giảm 2,4%. Ngành xây dựng 3 tháng đầu năm nay duy trì mức tăng trưởng khá với 6,68%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,82% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung với 0,95 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,22%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,71%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,75%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,25%; khu vực dịch vụ chiếm 44,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,55%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2019 ước tính đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu quý I/2019 tính đạt 57,98 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 24,09 tỷ USD, tăng 13,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,89 tỷ USD, tăng 6%.
Trong quý I năm nay, cả nước có 28.451 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số DN và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Số DN tạm ngừng kinh doanh là 14.761 DN, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 15.331 DN; DN thông báo giải thể là 3.378 DN, chiếm 22% và 3.549 DN chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 23,2%. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I năm 2019 là 4.116 DN, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 3.737 DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 90,8%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21% so với tháng trước, trong đó 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất với 1,42%, làm CPI chung giảm 0,51%, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm và ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng gồm: Giao thông tăng 2,22% do tác động của điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm ngày 2/3/2019 (tác động làm CPI tăng 0,23%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,78% chủ yếu do giá gas trong tháng tăng 4,88%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,01%.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng Tổng Cục thống kê dự báo, những thách thức nền kinh tế gồm: Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, công nghiệp chế biến chế tạo khó duy trì cùng kì năm trước, thời tiết hạn hán, dịch bệnh thách thức với tăng trưởng chậm lại của một số hàng xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu nhiều.
Xăng dầu thế giới biến động khó lường. Xu hướng tăng lãi suất biến động khó lường trên thịt rường tài chính - tiền tệ quốc tế tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kì vọng thị trường…