Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GDP Việt Nam vượt dự báo, cao nhất trong 6 năm trở lại đây

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Thống kê cho biết, mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011 - 2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.

Chiều 27/12, Tổng cục Thống kê họp báo thông tin chính thức tình hình kinh tế - xã hội năm 2017. Theo đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, trong đó quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,28%; quý III tăng 7,46%; quý IV tăng 7,65%.
Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,90% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,00%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2017 so với năm 2016 của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Bắc Ninh tăng 37,2%; Hải Phòng tăng 21,6%; Thái Nguyên tăng 18,1%; Bình Dương tăng 11%; Vĩnh Phúc tăng 10,9%; Hải Dương tăng 10,5%; Đà Nẵng tăng 9,5%; Đồng Nai tăng 8,7%; TP Hồ Chí Minh tăng 7,9%; Cần Thơ tăng 7,3%; Hà Nội tăng 7,1%; Quảng Ninh tăng 3,7%; Quảng Nam giảm 2,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 3,1%.
Tính chung cả năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 58,53 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 tăng 17,6% so với năm 2016.
Năm 2017, cả nước có 126.859 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.295.911 tỷ đồng, tăng 15,2% về số DN và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong năm 2017 đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong năm qua là 1.161.321 lao động, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 12 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn thực hiện ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Cả nước có 2.591 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 21,27 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2016. Có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8,41 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2016. Có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ 2016. Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm với tổng số vốn 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tính chung cả năm 2017, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 29,1% so với năm trước (tăng 2,9 triệu lượt khách), trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 10,9 triệu lượt người, tăng 32,1%; đến bằng đường bộ đạt 1,8 triệu lượt người, tăng 19,5%; đến bằng đường biển đạt 258,8 nghìn lượt người, giảm 9,1%.
Lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI tháng 12/2017 tăng 2,6% so với tháng 12/2016, bình quân mỗi tháng tăng 0,21%. Có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2017, trong đó chỉ số giá nhóm thực phẩm bình quân năm giảm 2,6% so với năm 2016 (chủ yếu giảm ở nhóm thịt tươi sống); các cấp, các ngành tích cực triển khai các biện pháp bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Tín dụng tăng trưởng 16,96%, thu ngân sách chỉ bằng 91,1% dự toán
Tính đến thời điểm 20/12/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,19% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 16,47%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 14,5% (cùng kỳ năm 2016 tăng 16,88%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 16,96%. Mặc dù có sự chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn nhưng thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức ổn định. Dự trữ ngoại hối tăng cao.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2017 ước tính đạt 1.104 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 871,1 nghìn tỷ đồng, bằng 88%; thu từ dầu thô đạt 43,5 nghìn tỷ đồng, bằng 113,7%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 183,8 nghìn tỷ đồng, bằng 102,1%. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2017 ước tính đạt 1.219,5 nghìn tỷ đồng, bằng 87,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 862,6 nghìn tỷ đồng, bằng 96,2%; chi trả nợ lãi 91 nghìn tỷ đồng, bằng 92%; riêng chi đầu tư phát triển đạt 259,5 nghìn tỷ đồng, bằng 72,6%dự toán năm (trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 254,5 nghìn tỷ đồng, bằng 72,3%). Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2017 ước tính đạt 147,6 nghìn tỷ đồng, bằng 90,1% dự toán năm.