GenZ "hiến kế" thùng rác Plustrabin để bảo vệ môi trường

Nguyễn Ngọc Hân – Học sinh Lớp 8A2, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự phát triển quá nhanh của công nghệ thông tin, kinh tế... khiến cho cuộc sống của con người ngày càng trở nên hiện đại hơn. Nhưng cùng đó, ngày càng có không ít hành động tác động xấu đến môi trường.

Công nhân đang phân loại và xử lý rác thải. Ảnh minh họa
Công nhân đang phân loại và xử lý rác thải. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nhiều người ngày càng thiếu sự chăm chút và để tâm đến môi trường sống xung quanh. Hậu quả là ở các đô thị lớn, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, trở thành một vấn đề nhức nhối cần quan tâm hiện nay. Nhất là cần truyền thông tới việc thay đổi nhận thức và hành động của GenZ để bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường, tưởng "lạ mà lại quen"

Theo thống kê của Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa. Việt Nam đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm. Từ đó gây ra vấn đề đau đầu, nhức nhối đó chính là ô nhiễm môi trường. 

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới World Bank, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và lượng rác thải đổ ra đại dương từ 28 - 73 triệu tấn. Con số này dự đoán sẽ ngày càng tăng, báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp.

Rác vứt bừa bãi bên cạnh thùng rác trống.
Rác vứt bừa bãi bên cạnh thùng rác trống.

Vậy làm thế nào để giảm lượng rác thải ra môi trường? Những chiếc túi nilong bị các bạn học sinh vứt ra sân trường, người đi đường “tiện tay” quăng chiếc chai nhựa xuống dòng kênh, hay thói quen đổ rác bừa bãi, không đúng quy định của nhiều người… Nếu những thói quen này thay đổi, rác được đổ đúng nơi, đúng chỗ, được phân loại và xử lý kịp thời sẽ từng bước góp phần giảm ô nhiễm môi trường và lượng rác thải.

Theo quan sát của em, thực tế, số lượng thùng rác được bố trí ở nơi công cộng hiện nay còn ít hơn so với nhu cầu. Hoặc nếu có thùng rác phân loại được đặt ở các trung tâm thương mại, công viên, đường phố,... thì lại bị nhiều người phớt lờ việc vứt rác đúng cách, mà chỉ tiện ném ngay vào. 

Đó là một phần nguyên nhân của những hình ảnh thường thấy trên một số tuyến đường thành phố: rác bừa bãi trên vỉa hè, bãi cỏ, miệng hố ga, những thùng rác ngập rác tràn ra ngoài, nhếch nhác, bẩn thỉu… 

Ý tưởng thùng rác phân loại 2 đầu

Plustrabin là một chiếc thùng rác có đầu lọc rác một cách nhanh và gọn nhất, không khiến người vứt phải quan tâm đến việc, mình đã vứt đúng hay chưa. Tính năng đầu lọc rác sẽ phân chia thành 2 loại cơ bản nhất đó là rác hữu cơ và vô cơ.

Hình minh họa thùng rác phân loại hai đầu Plustrabin.
Hình minh họa thùng rác phân loại hai đầu Plustrabin.

Loại thùng rác này sẽ sử dụng màng lọc, và một số các cảm ứng đâu là thức ăn, các loại chất lỏng, và sẽ được đẩy về phía tay bên phải, còn lại sẽ được đẩy về tay bên trái. 

Ưu điểm là chiếc thùng rác này vẫn có kích cỡ nhỏ, hợp lý để sử dụng trong các hộ gia đình, còn các nơi công cộng có thể tăng kích cỡ lên. Sử dụng màu bạc và cam  khiến thùng rác bắt mắt, giúp mọi người sẽ dễ nhìn thấy hơn. 

Thùng rác có thể để ở góc bếp nhỏ trong các hộ gia đình, hoặc dọc đường các phố đi bộ, trung tâm thương mại, hay để chỗ khu vui chơi ở công viên,... Chỉ cần số lượng thùng rác vừa đủ đáp ứng nhu cầu, ta đều có thể dễ dàng phân loại rác thải. Kết hợp với các đơn vị thu gom rác chuyên nghiệp có thể giúp tái sử dụng rác thải điện tử, các chai nhựa và giấy, tạo thành nguyên vật liệu mới.

Nhưng trên hết, dù thùng rác có hiện đại đến thế nào, theo em, ý thức của mọi người, nhất là các bạn thế hệ Gen Z mới là quan trọng nhất để góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp.