Ghi hình, xử phạt người vứt rác: Nâng ý thức, tạo thói quen tốt

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, Hà Nội nổi lên những mô hình ngõ, phố sạch rác nhờ hình thức ghi hình để nhắc nhở và xử phạt. Theo nhiều chuyên gia, việc ghi hình xả rác cũng giống như cảnh sát giao thông ghi hình xử phạt nguội người vi phạm giao thông. Góp phần răn đe, nâng cao ý thức của người dân. Tuy nhiên, nếu không duy trì thường xuyên thì mọi việc trở lại như cũ. Chính vì thế, vai trò của giáo dục có tính quyết định đối với việc hình thành ý thức, tạo lập thói quen của mỗi cá nhân.

Nhân viên Công ty URENCO ghi hình để xử lý hành vi vứt rác tùy tiện. Ảnh: Hoài Thanh
Ngõ, phố sạch rác
Sau mỗi lần sự kiện ngoài trời được tổ chức nhân dịp lễ, Tết, dọc các tuyến phố quanh khu vực Hồ Gươm lại tràn ngập rác thải, đồ ăn thừa, túi nilon. Theo thống kê của Xí nghiệp môi trường đô thị số 2, trung bình mỗi ngày cuối tuần, đơn vị này thu gom hơn 200 tấn rác thải sinh hoạt từ khu vực phố đi bộ. Trước thực tế đó, mới đây Công ty Môi trường đô thị Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thí điểm việc ghi hình, xử lý các trường hợp xả rác không đúng quy định ở phố đi bộ Hồ Gươm. Việc thí điểm này bước đầu cũng đã cho thấy hiệu quả.

Ghi nhận của phóng viên vào những tối cuối tuần, đa số các trường hợp vứt rác đều được nhân viên môi trường nhắc nhở trực tiếp. Một số trường hợp tái phạm nhiều lần, nhân viên môi trường mới liên lạc với công an phường để lập biên bản hành chính. Cũng đã có nhiều trường hợp bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính như phường Hàng Bạc, đã xử phạt 2 trường hợp với số tiền 12 triệu đồng; phường Hàng Buồm phạt 10 trường hợp, với số tiền 10,7 triệu đồng; phường Hàng Gai 7 trường hợp, với số tiền 8,5 triệu đồng; phường Trần Hưng Đạo 5 trường hợp, với số tiền 7 triệu đồng; phường Hàng Bài 1 trường hợp, với số tiền 4 triệu đồng... Theo ghi nhận, với việc nhiều trường hợp bị lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đã có sức răn đe rất lớn trong việc ngăn ngừa hành vi vứt rác không đúng nơi quy định. Được biết, sau khi thí điểm đặt các loại biển báo cấm xả rác bừa bãi và mức phạt 7 triệu đồng, ngày 19/5, Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội sẽ đánh giá hiệu quả của hoạt động để chính thức triển khai trên tuyến phố này.

Trước đó người dân tổ dân phố 22 (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đã có một sáng kiến chống nạn đổ trộm rác thải là bêu hình ảnh “thủ phạm xả rác”. Theo đó, các gia đình đã góp tiền lắp camera, chụp ảnh những người đổ rác bừa bãi và treo những hình ảnh đó ở nơi công cộng, các cột điện để nhắc nhở, cảnh báo. Việc làm này đã giúp nạn đổ trộm rác giảm hẳn. Nhưng cũng nhiều người băn khoăn, ghi hình dán ảnh người đổ rác không đúng nơi quy định có vi phạm quyền nhân thân?

Và câu chuyện pháp lý

Trao đổi với báo chí, luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc Công ty Luật Inteco Hà Nội, cho biết, đối với những cá nhân có hành vi đổ rác trộm, đổ rác bừa bãi ở khu vực công cộng, vệ đường, vỉa hè có thể xử phạt hành chính khá nặng. Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, phạt tiền 3 triệu - 5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị. Chính vì vậy, việc ghi hình xử phạt của Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội nằm trong khung quy định của Luật.

Ngoài ra, luật sư Phong cho rằng, sáng kiến treo ảnh người vứt rác không đúng quy định lên cột điện tại tổ dân phố 22 là một câu chuyện thú vị, không chỉ thể hiện ở khía cạnh bảo vệ môi trường, mà còn tác động đến quyền hình ảnh con người theo quy định của pháp luật. Theo luật sư Phong, trên thực tế, các tấm ảnh dán lên cột điện đều là những bức ảnh chụp từ phía sau, không rõ mặt. Nghĩa là qua những tấm ảnh đó, người qua đường chỉ có thể phán đoán mà không đủ cơ sở để nhận diện cụ thể một người nào đó rõ ràng. Việc một tấm ảnh không lộ mặt của một người, mà chỉ có một số dấu hiệu cho phép phán đoán về mặt hình dạng, thì sẽ không được coi là hình ảnh có tính pháp lý, do đó “Người dán ảnh lên cột điện sẽ không bị coi là vi phạm quyền hình ảnh” - ông Phong nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần