Ghi nhận những chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, những năm qua, cơ cấu kinh tế của Thủ đô ghi nhận những chuyển biến tích cực.

Dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. 	Ảnh: Phạm Hùng
Dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Kết quả này được nhận diện ở nhiều góc độ khác nhau, trong đó có hai góc độ quan trọng là cơ cấu kinh tế theo nhóm ngành kinh tế và cơ cấu theo loại hình kinh tế.

Tỷ trọng nông nghiệp giảm,   công nghiệp - xây dựng tăng

Tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản đã giảm từ 6,9% năm 2005 xuống dưới 5% năm 2014 và chỉ còn bằng hơn một phần tư tỷ trọng của cả nước. Tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đã tăng lên trong thời gian tương ứng và cao hơn tỷ trọng tương ứng của cả nước. Đặc biệt, tỷ trọng của ngành xây dựng cao gấp đôi, chứng tỏ Hà Nội là công trường xây dựng lớn của cả nước, trong khi ngành này tạo ra các cơ sở hạ tầng cho đất nước. Tỷ trọng của ngành dịch vụ từ năm 2005 đến nay đã tăng lên và đã vượt qua mốc 53%, cao hơn hàng chục phần trăm so với tỷ trọng tương ứng của cả nước. Một số ngành dịch vụ cụ thể còn cao hơn nữa (như vận tải - kho bãi, thông tin - truyền thông, hoạt động chuyên môn - khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo...).

Tuy nhiên, về cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm. Đối với nông, lâm nghiệp - thủy sản, cần chuyển hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp kỹ thuật - công nghệ cao để vừa tăng năng suất, vừa tăng thu nhập cho người lao động ở nhóm ngành này; đồng thời cần phát triển ngành nghề để thu hút số lao động nông, lâm nghiệp - thủy sản chuyển sang. Đối với công nghiệp, với tỷ trọng trên 30%, thì đó vẫn còn cao, trong đó cần phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp có trình độ có kỹ thuật - công nghệ cao, vừa tận dụng các lợi thế về nguồn nhân lực, nơi tập trung các trường đại học, viện nghiên cứu, vừa hạn chế tác động xấu của môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đối với dịch vụ, tỷ trọng chung của nhóm ngành này vẫn còn thấp. Trong đó, tỷ trọng một số ngành dịch vụ động lực còn thấp, như hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, hoạt động kinh doanh BĐS, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ... Đặc biệt, tỷ trọng trong hoạt động tài chính ngân hàng, kinh doanh BĐS, tỷ trọng còn thấp hơn của cả nước. Đối với nhiều địa phương khác, thì công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là sự gia tăng tỷ trọng của công nghiệp; nhưng đối với Hà Nội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng nghĩa với việc phát triển mạnh dịch vụ hơn nữa, nhất là các dịch vụ động lực, dịch vụ không chỉ trong phạm vi Hà Nội, mà còn của cả nước và quốc tế.

Tạo cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế

Cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu theo loại hình kinh tế của Hà Nội có một số kết quả tích cực. Tỷ trọng loại hình kinh tế Nhà nước đã giảm xuống; tỷ trọng loại hình kinh tế ngoài Nhà nước đã tăng lên. Đáng lưu ý, so với cả nước, tỷ trọng của Hà Nội về kinh tế tư nhân đã cao gấp đôi, còn tỷ trọng về kinh tế tập thể và cá thể thấp chỉ bằng một nửa loại hình.

Tuy nhiên, tỷ trọng của kinh tế Nhà nước của Hà Nội còn khá cao và cao hơn tỷ trọng tương ứng của cả nước. Kinh tế Nhà nước có vai trò quan trọng, nhất là ở những ngành, lĩnh vực mà các nhà đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài không được làm (như an ninh, quốc phòng...). Mặc dù kinh tế cá thể có tỷ trọng tăng lên và chiếm tỷ trọng cao, nhưng quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, sang kinh tế thị trường đã 30 năm song hiệu quả và sức cạnh tranh của 2 loại hình này còn thấp... Do vậy, một mặt cần đẩy nhanh hơn công cuộc cổ phần hóa DN Nhà nước theo kế hoạch đã đề ra; mặt khác, cần làm cho người dân an tâm hơn nữa trong việc thành lập DN, chuyển các trang trại, tổ sản xuất... thành DN.