Đây chính là những nội dung được các chuyên gia và doanh nghiệp quan tâm, bàn luận tại tọa đàm “Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" diễn ra tại FLC Vĩnh Phúc ngày 5/1.
Giá bán tiếp tục tăng
Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, thị trường BĐS vừa trải qua một năm đầy biến động bởi Covid-19. Giai đoạn đầu năm, thị trường tê liệt, nhiều dự án ngừng trệ, sàn giao dịch ngưng hoạt động, hạ tầng du lịch đóng băng. Mặc dù Chính phủ quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng những vướng mắc về pháp luật vẫn khiến lực cầu giảm mạnh. Nguồn cung mới đạt gần 60.000 sản phẩm, đạt 87,6% so với năm 2019. Lực cầu giảm nhưng thu hút đầu tư ngoài ngành tăng 30%.
Năm 2021 là năm đầu tiên chính quyền các địa phương nhận nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới nên sẽ có nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực BĐS. Thị trường sẽ khó có nguy cơ tạo bong bóng mà sẽ phát triển bền vững hơn; tập trung vào phát triển hạ tầng du lịch. Phân khúc BĐS du lịch không còn tập trung hướng biển mà còn vào các khu vực rừng núi giàu tiềm năng.
“Nhưng giá sản phẩm trên thị trường có thể tăng 10% so với năm 2020. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng có thể giữ hoặc giảm kích thích đầu tư mạnh hơn. Chính phủ tiếp tục nỗ lực khắc phục, cởi trói cho doanh nghiệp. Vốn FDI đổ vào mạnh hơn” - ông Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.
Liên quan đến câu chuyện giá BĐS tăng, Chủ tịch FLC Group Trịnh Văn Quyết cho rằng, tất cả chủ đầu tư đều phải đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật. Nhà nước thu tiền thuế sử dụng đất nên nếu tiền thuế thấp, giá bất động sản mới thấp. Lấy ví dụ về dự án FLC Sầm Sơn, ông Quyết tính toán, một m2 chịu thuế sử dụng đất là 4 triệu đồng nên mỗi năm, doanh nghiệp chi hàng nghìn tỷ nộp thuế. Giá nhà còn cộng thêm khoảng 4 triệu xây dựng hạ tầng và khoảng trên dưới 20% cho đại lý bất động sản làm truyền thông, phí và các lệ phí khác.
“Giá nhà đất phụ thuộc vào điều phối của cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan thuế. Chủ đầu tư không có nguồn cung bên ngoài, lên xuống do cung cầu thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, không nhiều chủ đầu tư có lãi nếu nếu tính thuế, tiền đền bù, thuế, chi phí vốn vay... Nếu thị trường biến động mới vấn đề lợi nhuận trong vài năm là không thể" - ông Trịnh Văn Quyết cho hay.
Đồng quan điểm, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh cho biết, mặt bằng giá Việt Nam thấp hơn so với khu vực. Trong khi giá nhà ở Hà Nội là 2.000 USD/1m2 mà Singopre lên đến 26-27.000 USD. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hoá của nước ta còn thấp, mới đạt trung bình 35%, trong khi nhiều nước ở khu vực đạt tới 70 - 80%. Tiêu biểu, tốc độ đô thị hoá hiện nay của Hà Nội đạt 49%, thấp hơn mức 54% của 10 năm trước do mở rộng lộ giới hành chính.
“Tốc độ đô thị hoá thấp khiến thị trường còn nhiều tiềm năng, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp bán hàng tốt thông qua hình thức online với người nước ngoài. Dự báo giá thị trường tiếp tục tăng trong tương lai. Theo thống kê, từ 2002 - 2020, giá bất động sản Hà Nội tăng 33 lần, TP Hồ Chí Minh tăng 16 lần” - ông Nguyễn Quốc Anh cho hay.
Triển vọng 2021
Chuyên gia tài chính TS Cấn Văn Lực cho biết, thị trường BĐS đang chờ đón những xung lực mới của năm 2021 và nhiều năm tới, dựa vào một số yếu tố. Thứ nhất, thị trường đã điều chỉnh nhanh nhạy theo tình tình dịch bệnh cũng như đưa công nghệ vào bán hàng.
Thứ 2 là pháp lý, những luật sửa đổi bổ sung như Luật Doanh nghiệp với nhiều điểm tinh giản đáng kể. Luật Chứng khoán bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm với điểm nhấn huy động vốn từ các quỹ sẽ là động lực cho doanh nghiệp.
Thứ 3 là dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh doanh nghiệp quốc tế tìm đến những vùng đất mới an toàn và rẻ hơn đã tạo ra một cơ hội mới. Thứ 4 là giải ngân đầu tư công nhanh, đóng góp chung cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, tương đương 0,2%.
“Ngoài ra, việc các doanh nghiệp BĐS tiến hành quá trình chuyển đổi số nhanh, công nghệ đã tạo ra một hệ sinh thái mới với cơ hội tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Cùng với đó là vấn đề lãi suất. Đây là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. Các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, hay đầu tư. Tuy vậy, thị trường vẫn chứng kiến 3 rủi ro về pháp lý, dịch bệnh chưa kết thúc và đòn bẩy tài chính" - TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Ở khía cạnh khác, Chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành cho biết, Việt Nam còn sinh địa, kinh tế tương đối dương, thu ngân sách không hụt nhiều. Chính phủ và các Bộ, ngành đang triển khai chiều chính sách hỗ trợ trong năm 2021, chính vì vậy tiềm năng phát triển sẽ mạnh mẽ với quy mô lớn hơn.
“Năm 2021 là năm tạo sự chuyển biến và mang sự ý nghĩa tích cực với nhân sự mới, cải cách quyết liệt. Việt Nam sẽ phải thể hiện xuất sắc trên trường quốc tế với các đối tác quan trọng, trong đó có Mỹ, khi một tổng thống mới đắc cử. Năm 2020, chứng khoán và BĐS có vẻ khởi sắc, nhưng cũng là lúc người ta nói đến "bom nợ", đây chính là sự rủi ro về vấn đề tài chính. Vì vậy, các nhà đầu tư, nên bám sát các chính sách vĩ mô của Nhà nước, theo sát các chính sách hỗ trợ” - TS Võ Trí Thành khuyến cáo.