Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá bất động sản tăng có gây nguy cơ “bong bóng”?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã có những lo ngại giá bất động sản (BĐS) tăng sẽ gây nguy cơ “bong bóng” cho thị trường trong năm 2021. Các chuyên gia cho rằng, với mức tài sản và thu nhập cá nhân của nhiều người thì không phải ai cũng có thể theo kịp giá nhà gia tăng. Tuy nhiên, chúng ta không cần quá lo lắng về vấn đề mức giá.

Trái ngược với hầu hết các lĩnh vực kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, BĐS tiếp tục ghi nhận những tăng trưởng nhất định, đặc biệt trong số lượng người mua. Trong khi đó, nguồn tài chính đổ vào BĐS vẫn gia tăng thể hiện qua dư nợ tín dụng BĐS.
Cụ thể, thống kê đến hết năm 2019, tổng dự nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS là 521.821 tỷ đồng, tăng 4,36% so với năm trước đó, nhưng đến hết năm 2020, tổng dư nợ là 633.740 tỷ đồng, tăng 4,63% so với năm 2019.
Giá BĐS tăng nhưng sẽ không gây ra bong bóng.
Theo Giám đốc Savills Hà Nội Matthew Powell, ở góc độ giá nhà và giá đất, với mức tài sản và thu nhập cá nhân của nhiều người thì không phải ai cũng có thể theo kịp giá nhà gia tăng. Bởi vậy, chúng ta rất cần các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận các sản phẩm nhà ở bình dân và dành cho người có thu nhập thấp. Nhiều nhà đầu tư BĐS cá nhân lại không tìm kiếm các sản phẩm cao cấp, nên một số chủ đầu tư hiện đang quan tâm đến loại hình phát triển nhà ở bình dân, dành cho người có thu nhập thấp.
Bên cạnh vấn đề giá nhà, dân số cũng cần phải tính đến các yếu tố quan trọng như nguồn cung nhà ở được đảm bảo, cơ sở vật chất phát triển, hệ thống giao thông thuận lợi, và sự phát triển của thị trường tại những khu vực mới và các tỉnh thành. Điều quan trọng là sự mở cửa thị trường, mở rộng sản phẩm và tiếp cận các khu vực mới, có thể được thực hiện hóa bằng sự phát triển của cơ sở hạ tầng, đường bộ và phương tiện công cộng.
Đơn cử tại Anh, người dân thường không sống tại trung tâm TP, họ không thể chi trả cho giá nhà đắt đỏ tại đó. Vậy nên, họ thường sống ở những khu vực ngoại ô và di chuyển tới trung tâm bằng các phương tiện công cộng.
Nếu có những chính sách đất đai phù hợp có thể hạn chế được các hiện tượng tăng trưởng thiếu kiểm soát. Ở Việt Nam, hiện tại chưa cần lo lắng đến vấn đề này. Việc thay đổi, hoàn thiện nhiều bộ luật liên quan, chính thức có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021 sẽ giúp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng quản lý tốt các chính sách đất đai, chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng cũng như nguồn cung nhà ở, đặc biệt cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, giữ vai trò trọng tâm.
“Bong bóng BĐS được tạo ra bởi các hoạt động cho vay và đầu cơ không kiểm soát. Hiện nay, các ngân hàng không cho vay nếu thiếu cơ sở và thiếu lý do hợp lý. Giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhu cầu, và nhu cầu vẫn đang tăng.
Đặc biệt, với giả thuyết về bong bóng BĐS khi giá bán liên tục bị đẩy lên cao ở giai đoạn hiện nay rất khó xảy ra. Thị trường BĐS Việt Nam có thể giữ được nhịp tăng ổn định, sự tăng trưởng này không ở mức nguy hiểm hay mất kiểm soát, mà hoàn toàn trong vùng an toàn” - ông Matthew Powell nhận định.