Giá cả leo thang bất chấp nỗ lực bình ổn giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Là một trong những mặt hàng dễ biến động giá trong dịp lễ Tết, các loại bia từ khoảng một tháng nay không ngừng yết giá mới khiến chủ cửa hàng không kịp trở tay.

KTĐT - Là một trong những mặt hàng dễ biến động giá trong dịp lễ Tết, các loại bia từ khoảng một tháng nay không ngừng yết giá mới khiến chủ cửa hàng không kịp trở tay.

Chưa vào cao điểm của đợt mua sắm hàng Tết, nhưng giá bia, tôm khô, khô mực, kiệu... tại các chợ, cửa hàng ở TP HCM liên tục điều chỉnh giá bán.

Nếu Tết năm ngoái, người dân chi tiêu cho một kg kiệu chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng, thì mức giá bán hiện nay tại các chợ phổ biến ở 35.000 đồng. Kiệu đầu mùa thường có giá cao, song theo nhiều tiểu thương, đây là mức đỉnh trong vòng mấy năm qua.

Ăn theo mùa Tết, tôm khô các loại cũng đang nhích dần, trên 500 nghìn một kg với loại thường, loại ngon phải hơn 600 nghìn đồng, tăng gần gấp đôi so với cách đây một tháng. Tương tự, khô mực cũng đội thêm khoảng 100 nghìn đồng. Trước sự lên giá ở nhiều mặt hàng, chị Thu Hà, tiểu thương chợ Thị Nghè lo ngại: "Giá sẽ còn biến động nữa, nhất là cao điểm người dân mua sắm Tết vào cuối tháng này". Nhiều loại gia vị nước chấm, rau củ quả, bánh kẹo tại các chợ biến động giá nhẹ, cao thêm 500-1.500 đồng tùy loại.

Là một trong những mặt hàng dễ biến động giá trong dịp lễ Tết, các loại bia từ khoảng một tháng nay không ngừng yết giá mới khiến chủ cửa hàng không kịp trở tay. Hiện một thùng Heineken bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở 200.000-205.000 đồng, bia Tiger 225.000 đồng, bia 333 dừng ở 205.000 đồng, tăng 10-15% so với hai tháng trước. Cũng dự đoán tình trạng hút hàng khi cận Tết, nhưng anh Trung, chủ một đại lý bia, nước ngọt ở quận 3, không ngờ diễn biến giá cả ngoài tầm kiểm soát, đẩy giá bia lên cao ngất ngưởng trong dịp Tết nên không dám tích trữ, sợ bị "dội" hàng.

Trong khi đó, ông Lê Tấn Hùng, Giám đốc đối ngoại Công ty Liên doanh Nhà máy bia Việt Nam khẳng định: "Giá xuất xưởng các loại bia (Tiger, Heineken) của công ty tại thời điểm này vẫn không tăng so với những tháng trước đó và sẽ cố gắng không tăng giá từ nay đến cuối năm".

Tại các siêu thị, nhà cung cấp vào những ngày đầu năm tiếp tục đề xuất nâng giá bán 5-10% nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark: "Do đã đặt hàng cách đây gần hai tháng, nên giá cả của những mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như bánh kẹo, lạp xưởng, bia, nước ngọt... hiện vẫn được siêu thị bán ở mức giá ổn định". Còn tại Big C, khoảng 1.400 mặt hàng đang trong chương trình giảm giá 2-5% cho đến hết ngày 21/1.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị Citimart có lượng hàng hóa dự trữ ít vì còn khó khăn về kho chứa hàng, vốn..., nên theo ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart Bình Thạnh: "Cứ bán đến đâu thì nhập hàng đến đó. Cho nên, khi nhà cung cấp tăng giá, siêu thị cũng phải điều chỉnh tăng 5-10%". Thậm chí, nhiều nơi cũng đã có thông báo sẽ tiếp tục tăng giá thêm nhiều loại hàng ngay trong tháng này, mức độ bao nhiêu còn tùy mặt bằng giá thị trường.

Nằm trong chương trình bình ổn thị trường Tết Canh Dần, năm nay TP HCM có 13 doanh nghiệp được UBND thành phố hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất 0% trong thời gian 6 tháng. Sở Công Thương TP HCM cũng đã yêu cầu 13 doanh nghiệp này phải có băng rôn, bảng giá, điểm bán cụ thể. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải lên kế hoạch tổ chức bán hàng lưu động, phục vụ người lao động tại các xã, phường của quận huyện ngoại thành, công nhân tại khác khu chế xuất, khu công nghiệp.

Sáng nay, đơn vị đầu tiên làm lễ xuất quân tổ chức bán hàng lưu động là Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra), đưa hàng bán tại 26 xã, phường thuộc quận Thủ Đức và 5 huyện ngoại thành, hai bệnh viện Nhi đồng 1 và 2...

Lượng hàng hóa tham gia bình ổn Tết năm nay tăng cường lên 20-40% so với nhu cầu tiêu dùng bình thường, với giá bán thấp hơn ít nhất 10% so với giá sản phẩm cùng loại, tại từng thời điểm.

"Hiện lượng hàng nhập kho của 13 doanh nghiệp này đạt gần 100% kế hoạch, với số tiền giải ngân trên 90%", ông Vòng A Lộc, Trưởng phòng kế hoạch tài chính tài chính Sở công thương TP HCM cho biết.

13 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường Tết: Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra), Vissan, Cầu Tre, Công ty thực phẩm công nghệ Sài Gòn, Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn, Liên hiệp hợp tác xã thương mại thành phố (Saigon Co.op), Công ty lương thực TP HCM, Vinh Phát, Huỳnh Gia Huynh Đệ, Phú An Sinh, Thành Thành Công, Ba Huân, Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt.

8 nhóm mặt hàng bình ổn: gạo-nếp (9.000 tấn), đường cát trắng (4.100 tấn), dầu ăn (1.500 tấn), thịt gia súc (8.000 tấn), thịt gia cầm (3.000 tấn), trứng gia cầm (25 triệu quả), thực phẩm chế biến từ thịt (3.000 tấn) và rau củ quả (2.000 tấn).
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần