Giá cá cao kỷ lục
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cảng cá Hòn Rớ - cảng cá lớn nhất khu vực Nam Trung bộ thuộc xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa nhộn nhịp hơn ngày thường. Đặc biệt, các thuyền chuyên câu cá ngừ đại dương càng “rộn ràng” hơn khi hầu hết đều trúng cá và được thu mua với giá cao.
Ngư dân Dương Tuyên – chủ hai tàu cá chuyên câu cá ngừ cho biết, sau hơn 20 ngày đi biển, hai tàu đánh bắt được khoảng 3 tấn cá, trừ phí tổn và chia cho các thuyền viên thì thu về hơn trăm triệu đồng.
“Chuyến biển cuối năm dù sản lượng không cao nhưng do cá được giá 150.000 đồng/kg nên hầu hết thuyền đều “trúng". Cách đây vài tháng giá cá chỉ hơn 100.000 đồng/kg nên nhiều ngư dân bỏ biển vì sản lượng thấp và giá không cao nên càng đi càng lỗ” – ông Tuyên cho biết.
Còn theo ông Trần Ngọc Đông (chủ sở hữu hai tàu chuyên câu cá ngừ đại dương) xuyên suốt mùa dịch giá cá liên tục giảm do các nhà máy chế biến không thu mua, thêm vào đó là giá dầu tăng cao nên ngư dân gần như không đi biển. “Cả năm vừa qua chúng tôi chỉ đi ba chuyến, may mắn chuyến cuối năm giá cá cao nên đã bù lại cho các chuyến trước và có thêm ít đồng ăn Tết” – ngư dân Đông cho hay.
Theo các ngư dân tại cảng Hòn Rớ, giá cá ngừ đại dương thường dao động khoảng 100.000 – 120.000 đồng/kg. Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh giá cá dưới 100.000 đồng/kg nhưng lượng thu mua nhỏ giọt. Do đó, việc giá cá “lên đỉnh” với 150.000 đồng/kg được cho là kỷ lục trong hơn 10 năm qua.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế&Đô thị, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ cho biết toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 3.400 tàu đánh bắt xa bờ (tàu trên 15m-PV), trong đó có hơn 700 tàu chuyên câu cá ngừ đại dương.
Sau đợt dịch bùng phát mạnh hầu hết đơn vị chế biến xuất nhập khẩu cá ngừ đại dương đều thiếu nguồn nguyên liệu khiến giá cá ngừ tăng cao. “Hiện các doanh nghiệp đang đẩy giá để ngư dân quay trở lại đánh bắt cá ngừ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Có thể nói, giá cá hiện khoảng 150.000 đồng/kg là giá cá cao nhất trong 10 năm qua” – ông Hiếu cho hay.
Cũng theo ông Hiếu, vẫn có một số tàu câu không đạt sản lượng nhưng do giá cá đạt đỉnh nên các tàu này vẫn nhanh chóng “quay đầu” ra biển sau khi cập cảng bán cá. “Do giá cá đang cao nên hiện có khoảng 70 tàu câu cá ngừ đại dượng đăng ký xuất cảng để đánh bắt xuyên Tết. Dự kiến chuyến tàu sớm nhất về cảng có thể vào mùng 3-4 Tết Nguyên đán Nhâm Dần” – ông Hiếu cho biết.
Chiếm ưu thế thị trường Mỹ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ, chiếm 15% thị phần nhập khẩu cá ngừ tại Mỹ. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ của các nước đối thủ như Thái Lan, Indonesia và Ecuador giảm.
VASEP cho biết, năm qua, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ không ổn định, tăng giảm thất thường so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng hiện Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng giá trị chiếm hơn 44% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.
Hiện xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng tốt trong tháng 11/2021, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 37 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm lên gần 297 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 do dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía nam, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ chỉ giảm nhẹ trong tháng 8 và 9, sau đó đã nhanh chóng phục hồi trong tháng 10 và 11.
Còn theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Mỹ vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu cá ngừ đông lạnh và chế biến/đóng hộp hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2020, hiện xuất khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh của Việt Nam sang Mỹ tăng 47%, trong khi xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp giảm 15% so với cùng kỳ.
VASEP dự kiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong tháng 12. Tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong năm 2021 ước đạt khoảng 330 triệu USD.