Giá cà phê hôm nay 10/7: Tồn kho giảm, liệu Arabica có thực sự thiếu hàng?

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 10/7 trong khoảng 41.700 - 42.100 đồng/kg. Tồn kho đạt chuẩn trên sàn New York giảm, Robusta vào vùng mua quá mức là điểm sáng hiếm hoi níu kéo giá cà phê thế giới trong tuần này.

Giá cà phê hôm nay 10/7: Tồn kho giảm, liệu Arabica có thực sự thiếu hàng?
Giá cà phê hôm nay 10/7: Tồn kho giảm, liệu Arabica có thực sự thiếu hàng?

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.700 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 42.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 42.100 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.100 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 42.000 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 42.100 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 42.000 đồng/kg.

Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 42.100 đồng/kg. Thị trường cà phê trong nước hôm nay tăng nhẹ so với cùng thời điểm sáng qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2022 tăng 37 USD/tấn ở mức 1.970 USD/tấn, giao tháng 9/2022 tăng 37 USD/tấn ở mức 1.981 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2022 tăng 0,7 cent/lb, ở mức 222,9 cent/lb, giao tháng 9/2022 tăng 1,55 cent/lb, ở mức 220,45 cent/lb.

Tổng kết tuần này, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2022 mất 21 USD/tấn, kéo theo đó là thị trường trong nước giảm trung bình 200 đồng/kg; còn giá cà phê Arabica giao tháng 7/2022 giảm 5,55 cent/lb.

Bước vào phiên giao dịch tuần này, sàn New York nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ. Trong thế 1 mình 1 chợ, giá Rosbusta trên sàn London tiếp đà giảm khi người Brazil đẩy mạnh bán Conilon Robusta vụ mới. Thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực, khi USDA ước tính dư cung toàn cầu so với nhu cầu trong niên vụ cà phê mới 2022/2023 gần 8 triệu bao.

Liên tiếp 3 ngày sau đó, giá cà phê trên cả 2 sàn kéo dài chuỗi ngày giảm. Nguyên nhân do đầu cơ ồ ạt rút vốn tìm nơi trú ẩn, vì lo ngại rủi ro tăng cao khi suy đoán Fed sẽ mạnh tay hơn trong phiên họp chính sách sắp tới. Các sàn chứng khoán và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt lên mức cao mới đã thu hút dòng vốn đầu cơ khắp nơi ồ ạt chuyển về, khiến các sàn hàng hóa thế giới đồng loạt lao dốc.

Góp thêm phần vào sự suy yếu là báo cáo thương mại tháng 5 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng này đã đạt 10,8 triệu bao, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, xuất xuất cà phê các loại trong 8 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022 đạt tổng cộng 87,99 triệu bao, tăng 0,7% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Phiên cuối tuần, giá cà phê kỳ hạn kết thúc chuỗi giảm liên tiếp khi USDX suy yếu trở lại, khiến “bò đầu cơ” quay lại tăng mua, sau khi các chỉ số kỹ thuật trên cả hai sàn, nhất là London đã đi vào vùng quá bán. Thị trường xuất hiện thông tin mối lo thời tiết mùa Đông tại các vùng cà phê chính ở Brazil.

Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vẫn ảm đạm cho thấy có sự thận trọng của các giới đầu cơ trước các báo cáo nhiều quốc gia xuất khẩu cà phê tháng 6 tăng, và áp lực bán hàng vụ mới của nhiều nước sản xuất lớn vẫn còn đè nặng lên các thị trường kỳ hạn trong ngắn và trung hạn.

Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê tháng 6 đã đạt 137.403 tấn (tương đương 2.290.050 bao, bao 60 kg) giảm 3,5% so với tháng trước, đưa xuất khẩu 6 tháng đầu năm dương lịch lên đạt tổng cộng 1.018.650 tấn (khoảng 16,98 triệu bao), tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.

Một trong những yếu tố khiến giá cà phê cuối tuần hồi phục phải kể đến là tồn kho trên sàn New York giảm trong thời gian qua. Nhờ tồn kho giảm mà giá của mặt hàng cà phê này hãm được đà lao dốc của cả 2 sàn. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, đây thực chất không phải do thiếu nguồn cung Arabica.

Vị chuyên gia phân tích, dù giá niêm yết trên sàn New York nhưng hàng tồn kho đạt chuẩn của sàn này chủ yếu lại nằm ở các kho châu Âu. Thời gian qua do những vấn đề về logicstic khiến các nhà sản xuất cà phê rang xay tại Mỹ quyết định tăng giá thu mua cho các lô hàng có sẵn trong nước, dẫn đến tiêu thụ mạnh. Điều này làm xuất hiện một làn sóng kéo hàng từ các kho châu Âu về Mỹ. Nhìn theo cách này, giá Arabica tăng thực chất là để giải quyết vấn đề logicstic hơn là do thiếu sản lượng. Hiện Brazil đang đẩy mạnh thu hái Arabica sẽ gây áp lực lên giá mặt hàng cà phê này trên sàn New York thời gian tới.