Giá cà phê hôm nay 10/9: Cấu trúc giá Robusta nghịch đảo liên tục duy trì lo ngại thiếu hàng cục bộ

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 10/9 trong khoảng 38.700 - 39.400 đồng/kg. Giá cà phê 2 sàn tiếp tục cùng nhau giảm phiên thứ 2 liên tiếp.

Giá cà phê hôm nay 10/9: Cấu trúc giá Robusta nghịch đảo liên tục được duy trì lo ngại thiếu hàng cục bộ
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 38.700 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 39.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 39.500 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 39.500 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 39.400 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 39.500 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 39.400 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 39.400 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm xu hướng giảm trung bình 300 - 400 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2021 giảm 28 USD/tấn ở mức 2.050 USD/tấn, giao tháng 1/2022 giảm 11 USD/tấn ở mức 2.038 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 2,75 cent/lb ở mức 187,45 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 2,7 cent/lb ở mức 190,2 cent/lb.

Giá cà phê 2 sàn tiếp tục cùng nhau giảm phiên thứ 2 liên tiếp. Nguyên nhân do đã vào vùng mua “quá mức”, cần phải thanh lý, đây là điều đã được đoán trước. Tuy vậy, cấu trúc giá nghịch đảo vẫn được duy trì, nhằm thu hút giới thương nhân tiếp tục đưa hàng về sàn London đăng ký chờ đấu giá. Đây là hiện tượng nhà đầu cơ nâng giá bán ở tháng gần cao hơn tháng xa nhằm hút hàng về kho. Điều này thể hiện sự lo ngại việc thiếu hàng cục bộ.

Các giới đầu cơ cũng tỏ ra thận trọng khi dự báo thời tiết Brazil sắp xuất hiện những cơn mưa góp phần giải hạn và sẽ kích cây cà phê ra hoa đúng thời vụ. Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cũng đã điều chỉnh tăng dư thừa cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020/2021 từ 2,02 triệu bao lên 2,63 triệu bao.

Trong vài năm gần đây, cà phê đặc sản Việt Nam bắt đầu được thị trường cà phê toàn cầu chú ý, đặc biệt là những nhà rang xay ở các nước "khó tính". Đầu tháng 8/2021, gần 20 tấn cà phê đặc sản, trị giá khoảng 100.000 USD của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) được xuất khẩu thành công sang Vương quốc Anh.

Sự kiện đánh dấu một bước tiến lớn cho cà phê đặc sản Việt Nam, vì lần đầu tiên xuất khẩu được lô hàng lớn sang thị trường khắt khe như châu Âu.

Thông tin trên báo Đắk Lắk, Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta, chủ yếu có tiếng về sản lượng và phát triển gấp 4 lần chỉ trong thập niên 90 của thế kỷ trước, đáp ứng được việc tăng nhu cầu tiêu thụ rất nhanh của thế giới trong vài thập niên qua. Tuy nhiên về chất lượng, cà phê Việt Nam không được thừa nhận dẫn đến giá trị và thương hiệu thấp so với các nước sản xuất khác. Điều này càng khó khăn hơn khi Việt Nam tham gia vào phân khúc cà phê đặc sản.

Cà phê đặc sản chỉ chiếm 1 - 2% tổng sản lượng cà phê toàn cầu, chủ yếu là Arabica. Tuy nhiên, hiện nay đã có một số thị trường sử dụng cà phê đặc sản Robusta trong tiêu dùng nên chúng ta sẽ có cơ hội phát triển sản phẩm này. Trên thực tế, trong 2 – 3 năm nay, Việt Nam đã có xuất khẩu cà phê đặc sản với số lượng nhỏ, từ 5 tạ đến 1 tấn. Trường hợp của Simexco Đắk Lắk là đặc biệt, có thể tiêu thụ với số lượng lớn.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT cũng đã xây dựng xong Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, tập trung phát triển tại 8 tỉnh gồm: Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển cà phê đặc sản (từ người sản xuất, chế biến, thử nếm, chọn tạo cây giống…). Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, Bộ yêu cầu phải đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê đặc sản cho các tác nhân trong chuỗi giá trị cà phê đặc sản; tăng cường kết nối giữa người sản xuất và những nhà rang xay, chế biến, tiêu thụ cà phê đặc sản…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần