Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá cà phê hôm nay 12/12: Thị trường thế giới tiếp tục tăng, trong nước đồng loạt vượt 33 triệu đồng/tấn

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 12/12 trong khoảng 32.700 - 33.300 đồng/kg. Trên thế giới cà phê 2 sàn phái sinh tiếp tục tăng.

Giá cà phê hôm nay 12/12: Thị trường thế giới tiếp tục tăng, trong nước đồng loạt vượt 33 triệu đồng/tấn
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 32.700 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 33.300 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 33.100 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 33.200 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 33.100 ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 33.100 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 33.000 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 32.800 đồng/kg. Như vậy, giá cà phê trong nước sáng nay tăng 200 - 300 đồng/kg.

Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch sáng nay (giờ Hà Nội), giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2021 tăng 9 USD/tấn (1,07%), giao dịch ở mức 1.335 USD/tấn, giao tháng 3/2021 tăng 6 USD (0,44%) ở mức 1.357 USD/tấn. Tại sàn New York ở Mỹ, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2020 tăng 0,55 cent/lb (0,46%) ở mức 119,1 cent/lb, giao tháng 3/2021 tăng 0,55 cent/lb (0,45%) lên mức 121,6 cent/lb.

Giá cà phê thế giới được hỗ trợ do đồng real Brazil mạnh lên, sau khi nghe ngóng thông tin chu kỳ nới lỏng chính sách của Ngân hàng Trung ương nước này có thể sẽ sớm kết thúc.

Tuy nhiên, thị trường cũng tỏ ra thận trọng trước dự báo sản lượng vụ sắp tới của Brazil sẽ sụt giảm rất mạnh, và báo cáo con số lây nhiễm Covid-19 trên thế giới gia tăng khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu bị sụt giảm.

Với vụ thu hoạch cà phê trong nước, thời điểm này, bà con trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang thu hoạch cho niên vụ 2020-2021. Một năm bỏ ra không ít chi phí cho đầu tư, chăm sóc; thế nhưng vụ thu hoạch năm nay với người trồng cà phê trong tỉnh lại kém vui vì năng suất cà phê giảm, trong khi giá cà phê trên thị trường cũng không cao mấy.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn và trực tiếp từ chính các đại lý thu mua nông sản, thì sản lượng cà phê thu mua trong dân của niên vụ 2020 - 2021 ít hơn nhiều so với những niên vụ trước. Năng suất, sản lượng giảm; trong khi đó giá cà phê cũng không cao. Hiện giá cà phê tươi từ 6,7 đến 6,9 triệu đồng/tấn; còn giá cà phê nhân cũng đang trong khoảng từ 32 đến 32,5 triệu đồng/tấn. Mất mùa, năng suất giảm, giá thấp; người trồng cà phê xem ra lại tiếp tục gặp khó khăn.
 Mô hình ''Đổi công thu hái cà phê'' đã và đang thu hút đông đảo bạn trẻ tại Bảo Lâm tham gia.. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Trước tình trạng khan hiếm nhân công tại các địa phương, thì mô hình “Đổi công thu hái cà phê” đang được triển khai rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực và thu hút hàng trăm đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) tham gia. Không chỉ đổi công giúp các gia đình tiết kiệm chi phí thu hoạch, đảm bảo đúng thời vụ, mà thông qua mô hình này còn góp phần giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình chính sách và đảm bảo an ninh trật tự trong vụ mùa cà phê.

Thời điểm này, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Bảo Lâm nói riêng đang bước vào vụ thu hoạch cà phê 2020 - 2021. Cùng với Di Linh, thì Bảo Lâm được xem là 1 trong 2 vựa cà phê lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, với tổng diện tích gần 40.000 ha đang cho thu hoạch.

Năm nay, giá cà phê xem như “đang giậm chân tại chỗ” từ 31.500 - 32.000 đồng/kg cà phê khô. Trong khi đó, giá nhân công thuê thu hái lại ở mức cao từ 320 - 350 ngàn đồng/ngày công hoặc từ 1.100 - 1.200 đồng/kg (theo hình thức thuê công hái kg).

Tính ra, với giá nhân công như hiện tại, mỗi ha cà phê người nông dân phải bỏ ra từ 20 - 22 triệu đồng để thuê nhân công thu hái. Ngoài việc phải đối diện với giá cà phê thấp, giá nhân công cao thì người nông dân còn có nhiều nỗi lo trong mùa thu hoạch cà phê, mà đặc biệt là nạn trộm cắp hoành hành.

Theo ghi nhận cho thấy, ở hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Bảo Lâm đều thành lập các tổ đổi công thu hái cà phê. Theo đó, mỗi tổ có từ 10 - 20 ĐVTN tham gia đổi công theo hình thức xoay vòng, gia đình ai có cà phê chín trước thì thu hái trước, lần lượt là các hộ tiếp theo.

Cái hay của tổ đổi công là không chỉ tiết kiệm được chi phí thuê nhân công và thu hái kịp thời vụ, mà còn đảm bảo giữ được cành cà phê cho những vụ mùa sau tốt hơn. Ngoài ra, khi tham gia hái, các ĐVTN có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.