Giá cà phê hôm nay 17/9: Robusta vượt mốc 2.100 USD/tấn trong tâm lý thận trọng của giới đầu cơ

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 17/9 trong khoảng 39.400 - 40.300 đồng/kg. Giá cà phê thế giới tiếp tục tăng khi thị trường Robusta vẫn còn nguyên mối lo nguồn cung từ Đông Nam Á và lượng mưa ở Brazil không được như kỳ vọng.

Giá cà phê hôm nay 17/9: Robusta vượt mốc 2.100 USD/tấn trong tâm lý thận trọng của giới đầu cơ
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.400 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.300 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.200 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.200 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.100 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.200 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.100 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.100 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm tiếp đà tăng so với cùng thời điểm hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2021 tăng 24 USD/tấn ở mức 2.106 USD/tấn, giao tháng 1/2022 tăng 18 USD/tấn ở mức 2.086 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 tăng 0,3 cent/lb ở mức 187,65 cent/lb, giao tháng 3/2022 tăng 0,25 cent/lb ở mức 190,4 cent/lb.

Giá cà phê thế giới tiếp tục tăng khi thị trường Robusta vẫn còn nguyên mối lo nguồn cung từ Đông Nam Á. Sự trì trệ này vẫn chưa thể cải thiện, dẫn đến cấu trúc giá nghịch đảo vẫn được duy trì trên sàn London nhằm hút hàng về sàn những tháng gần.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica tăng nhẹ khi dự báo lượng mưa tuần qua ở Minas Gerais, bang trồng Arabica chính của Brazil, thấp hơn 20% so với mức trung bình tháng hàng năm, có thể làm lá cà phê rụng nhiều hơn sẽ ảnh hưởng sản lượng vụ tới. Trong tuần này và tuần sau đều có mưa nhưng chỉ là những cơn rải rác, cục bộ nên nền nhiệt vẫn còn cao.

Trong bối cảnh đó, khối lượng thương mại trên cả 2 sàn tuy có tăng nhưng khá thấp, chứng tỏ giới đầu cơ vẫn còn thận trọng với mức giá hiện hành.

Giá cà phê còn được ủng hộ bởi chỉ số bán lẻ thị trường Mỹ đầy khả quan trong tháng 8/2021. Một trong những điểm giúp chỉ số này tăng tích cực là tiêu dùng cà phê. Thị trường Mỹ tiêu dùng cà phê nhiều hơn. Tuy vậy, điều này hơi buồn cho cà phê Việt Nam khi Brazil có lợi thế về giá cước vận tải.

Mất lợi thế ở thị trường Mỹ, tuy nhiên tại Hàn Quốc, các chuyên gia nhận định nhu cầu nhập khẩu cà phê của quốc gia này dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Hàn Quốc được dự báo sẽ có cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới. Theo Cục Xuất nhập khẩu, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng nhẹ từ 20,35% trong 6 tháng đầu năm 2020 lên 20,56% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 19,5 nghìn tấn, trị giá 30,82 triệu USD, tăng 12,8% về lượng và tăng 5,2% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.

Cà phê ở Hàn Quốc được sử dụng rộng rãi ở các văn phòng, nhà hàng, gia đình. Tiêu thụ cà phê ở Hàn Quốc chiếm khoảng 6% tổng thị trường cà phê châu Á - Thái Bình Dương và là một trong những thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới.