Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 65.900 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 66.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 66.400 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 66.700 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 66.600 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 66.300 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 66.200 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 66.300 đồng/kg.
Thị trường cà phê trong nước đi ngang so với cùng thời điểm hôm qua.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2023 giảm 7 USD/tấn, ở mức 2.462 USD/tấn, giao tháng 1/2024 giảm 3 USD/tấn, ở mức 2.369 USD/tấn.
Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2023 giảm 1,05 cent/lb, ở mức 146,15 cent/lb, giao tháng 3/2024 giảm 1,15 cent/lb, ở mức 147,2 cent/lb.
Tuần trước giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2023 tăng 1 USD/tấn; giá cà phê Arabica giao tháng 12/2023 giảm 5 cent/lb. Trong khi đó thị trường trong nước gần như đi ngang.
Chuyên gia Nguyễn Quang Bình nhận định, hiện quan niệm giá trên các sàn giao dịch thương phẩm (commodities) là “kim chỉ nam” cho thị trường, là nơi phản ánh cán cân cung-cầu một mặt hàng giao dịch vẫn còn tồn tại. Nhưng các hoạt động về vốn và tồn kho suốt vài năm trở lại đây cho thấy vai trò ấy teo dần, nhất là đối với ngành hàng cà phê.
Các nhà kinh doanh xuất khẩu hàng thực (physicals) không còn mặn mà với các điều kiện kiểm định chất lượng hàng đạt chuẩn phục vụ sàn kỳ hạn, cấu trúc giá của hàng được quyền đấu giá quá lạc hậu vì không theo kịp mạch thị trường bên ngoài.
Vị chuyên gia dẫn giải, giá cà phê nguyên liệu Robusta của Việt Nam tại thời điểm thượng tuần tháng 9/2023 đạt mức 65 triệu đồng/tấn tương đương với 2.703 USD/tấn (tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng: 24.050). So với giá đóng cửa vào ngày 8/9/2023 sàn Robusta London kỳ hạn tháng 11/2023 là 2.407 và tháng 1/2024 là 2.311 USD/tấn, giá cà phê nguyên liệu trong nước cao hơn giá kỳ hạn xấp xỉ 300 USD và 400 USD/tấn (tương ứng).
Thế mà hàng cà phê chất lượng Liffe loại 2 (do sàn Robusta London quy định – nghiêm ngặt hơn nhiều so với hàng nguyên liệu) chỉ bán được trên sàn với giá trừ 30 USD/tấn so với giá niêm yết giao hàng tại kho được chỉ định tại châu Âu. Cách nhau một trời một vực.
Nếu như cuối niên vụ 2017-2018, tổng khối lượng tồn kho đạt chuẩn (certs) của cả 2 sàn chừng 300.000 tấn, trong đó Robusta khoảng 180.000 tấn, thì đến nay giới kinh doanh rút tồn kho này ra rất nhiều. Tính đến ngày 7/9/2023, tồn kho đạt chuẩn thuộc sàn Robusta London còn 35.280 tấn và Arabica New York 27.505 tấn. Con số ở mức thấp nhất tính từ nhiều năm nay.
''Chất lượng đã ngặt nghèo, giá thì cực thấp, chi phí chuyên chở đến tận kho châu Âu và tiền trả lưu kho lớn thì không ai dại để nhằm chuyện đưa hàng lên sàn kỳ hạn để bán cả'' - vị chuyên gia phân tích ý kiến trên 1 bài báo đăng tại Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
Có thể nói trong cuộc tranh nhau làm giá, giới kinh doanh hàng thực và các nước sản xuất “bất chiến tự nhiên thành”. Nhiều nhà kinh doanh có tiếng quốc tế đã tháo chạy khỏi sàn vì các lý do trên. Nghe rằng có nhiều người rút hàng tồn kho đạt chuẩn để đem về lại các nước sản xuất hay nơi nào cần, để chủ động bán nếu như chênh lệch giá đạt lợi nhuận dương.
Điều này 1 phần lý giải tại sao thời gian qua giá cà phê trên sàn London giảm mạnh, nhưng thị trường cà phê trong nước vẫn neo ở mức cao. Bởi mức độ ảnh hưởng của giá trên sàn với thị trường các quốc gia sản xuất không còn mạnh như trước. Giá cà phê trên sàn bị ảnh hưởng nhiều bởi giới đầu cơ, trong khi thị trường trong nước phản ánh rõ cung cầu. Hiện nguồn cung trong nước đang thiếu nên giá cà phê neo ở mức cao bất chấp sàn London biến động cũng là điều dễ hiểu.