Giá cà phê hôm nay 20/2: Hụt hơi với giá xăng, nông dân lao đao

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 20/2 trong khoảng 40.800 - 41.400 đồng/kg. Giá cà phê tuần này giảm nhẹ theo thị trường London, trong khi nông dân lo lắng khi chi phí sản xuất tăng cao.

Giá cà phê hôm nay 20/2: Hụt hơi với giá xăng, nông dân lao đao
Giá cà phê hôm nay 20/2: Hụt hơi với giá xăng, nông dân lao đao

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.800 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.400 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 41.300 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.300 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.200 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.300 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 41.200 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.300 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giữ ổn định so với cùng thời điểm hôm qua. Tổng kết tuần này thị trường trong nước giảm nhẹ 100 đồng/kg.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 3/2022 giảm 18 USD/tấn ở mức 2.271 USD/tấn, giao tháng 5/2022 giảm 19 USD/tấn ở mức 2.255 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 giảm 4,65 cent/lb, ở mức 246,85 cent/lb, giao tháng 5/2022 giảm 4,65 cent/lb, ở mức 246 cent/lb.

Tính chung tuần này, giá cà phê Robusta giao tháng 3/2022 giảm 13 USD/tấn; giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 giảm 4,8 cent/lb. 2 phiên cuối tuần, giá cà phê sụt giảm sau khi các giới đầu cơ đã hoàn tất hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 3 và tiếp tục thanh lý vị thế ròng hiện đang nắm giữ. Trong khi thị trường dự kiến nguồn cung dồi dào do Brazil và Indonesia bước vào thu hoạch vụ Robusta mới năm nay.

Mức trừ lùi cà phê Robusta xuất khẩu của Indonesia hiện đang dao động quanh mức 120 – 130 USD/tấn cho cà phê Lampung loại 4, có 80 hạt lỗi, rất thấp so với mức trừ lùi của cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, của Việt Nam.

Bên cạnh đó, thông tin tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị ở Ukraina và chính sách tiền tệ sắp tới nhằm ngăn chặn lạm phát, khiến nhà đầu tư lo ngại thị trường có nhiều rủi ro hơn, đã làm chứng khoán Mỹ sụt giảm liên tiếp và USDX bật tăng trở lại. Dòng vốn đầu cơ tiếp tục tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn.

Trong nước, giá xăng dầu tăng cao trong thời điểm người dân trên địa bàn các tỉnh đang đồng loạt vận hành máy bơm để tưới nước cho cà phê. Điều này khiến chi phí sản xuất tăng cao và bà con nông dân lại phải đối mặt với khó khăn hơn.

Ông Lâm Văn Thạch - chủ vườn cà phê tại huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) chia sẻ: “Nhà tôi dùng dầu để chạy máy bơm tưới cây. Giá dầu mấy ngày qua tăng chóng mặt, mấy hôm trước các đại lý xăng dầu không bán số lượng lớn, có chỗ đóng cửa tôi phải chạy rất xa mới mua được dầu. Đến lúc họ mở cửa lại, giá dầu tăng lên 21.000 đồng/lít, giá bán cà phê chưa biết thế nào chứ giá thành sản xuất tăng cao như vậy thì người nông dân còn nghèo dài dài”.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, giá xăng dầu tăng khiến chi phí đầu tư sản xuất nông nghiệp tăng cao. Điều này ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của nông dân, nhất là những người trồng cà phê và cây lâu năm.

Cây trồng không thể thiếu nước tưới, nên ngành nông nghiệp đang triển khai một số biện pháp để hỗ trợ nông dân. Trong đó, ngành nông nghiệp các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân áp dụng công nghệ cao trong tưới nước để giảm chi phí nhiên liệu, thuê nhân công.

Bà con nông dân cần tích cực chăm sóc cây trồng, cắt tỉa cành, tạo tán phù hợp để cây phát triển tốt, cần ít nước tưới hơn. Về phân bón, bà con cố gắng tận dụng tối đa các phế phẩm nông nghiệp để chế tạo phân hữu cơ bón cho cây trồng, giảm chi phí mua phân hóa học...