Giá cà phê hôm nay 2/6: Robusta tiếp tục tăng, vượt 1.600 USD/tấn

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 2/6 trong khoảng 33.700 - 34.600 đồng/kg. Giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều sau 3 ngày nghỉ giao dịch.

Giá cà phê hôm nay 2/6: Robusta tiếp tục tăng, vượt 1.600 USD/tấn
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 33.700 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 34.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 34.500 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 34.500 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 34.400 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 34.400 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 34.500 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 34.500 đồng/kg. Sáng nay giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm tăng trung bình 100 - 200 đồng/kg.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2021 tăng 8 USD/tấn ở mức 1.591 USD/tấn, giao tháng 9/2021 tăng 10 USD/tấn ở mức 1.615 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2021 giảm 1,3 cent/lb ở mức 161.05 cent/lb, giao tháng 9/2021 giảm 1,25 cent/lb ở mức 163.05 cent/lb.

Hôm qua là một phiên có dao động mạnh, giá Robusta tại London có lúc giảm 20 USD nhưng có lúc tăng 37 USD để đóng cửa chỉ tăng 8 USD. New York tăng mạnh đầu phiên nhưng về cuối lại giảm. Thị trường bị khuynh đảo bởi lượng tiền hơn yếu tố cung-cầu.

Trên các sàn phái sinh, nhóm kim loại bao gồm cả vàng giảm, trong khi nhóm năng lượng tăng. Trong bối cảnh đó, các sàn nông sản cũng tăng, trừ giá cà phê Arabica.

Sàn New York giảm cuối phiên do vào vùng mua quá mức và tăng nóng, và lại gặp ngày khóa sổ vị thế kinh doanh, các quỹ đầu tư điều chỉnh vốn và không để bị lộ mua quá đà nên thanh lý ngày trong phiên.

Trước đó, giá cà phê thế giới tăng lên bất ngờ do một số yếu tố tác động. Đó là Colombia bị nghẽn mạch vận tải do việc phong tỏa các đường cao tốc vận chuyển cà phê ra các cảng xuất khẩu cùng với dự báo về tình trạng hạn hán trong giai đoạn tháng 6 - tháng 8 của vụ mùa tới. Khô hạn và sương giá trong thời kỳ hạn sẽ tác động tiêu cực đến cà phê tại Brazil. Bên cạnh đó, còn do giới đầu tư trên hai sàn cà phê nóng lòng mua thêm khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất gói ngân sách 6.000 tỷ USD cho 10 năm tới.

Nông dân trồng cà phê tại Brazil - nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới - đang nỗ lực đàm phán lại các hợp đồng bán hàng với các nhà xuất khẩu và thương nhân ở mức giá cao hơn, làm dấy lên nỗi lo về tình trạng vỡ nợ lan rộng.