Giá cà phê hôm nay 26/10: Robusta tăng rất mạnh, vượt mốc 2.200 USD/tấn

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 26/10 trong khoảng 40.300 - 41.200 đồng/kg. Giới đầu cơ lo ngại thiếu hàng trong cục bộ, trong bối cảnh vụ cà phê mới tại Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi mưa bão khá nặng nên chưa thể thu hái rộ đưa ra thị trường.

Giá cà phê hôm nay 26/10: Robusta tăng rất mạnh, vượt mốc 2.200 USD/tấn
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.300 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 41.100 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.100 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.000 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.100 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 41.000 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.100 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm tăng 300 - 400 đồng/kg so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2021 tăng 73 USD/tấn ở mức 2.207 USD/tấn, giao tháng 1/2022 tăng 54 USD/tấn ở mức 2.195 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 tăng 2,7 cent/lb ở mức 202,55 cent/lb, giao tháng 3/2022 tăng 2,55 cent/lb ở mức 205,15 cent/lb.

Trong phiên vừa qua, Robusta vẫn duy trì đà tăng tốt với 1 phiên tăng ấn tượng. Sau phiên này, tình trạng "vắt giá" - cấu trúc giá đảo nghịch lại diễn ra, cho thấy giới đầu cơ lo ngại thiếu hàng trong cục bộ. Điều này diễn ra trong bối cảnh vụ cà phê mới tại Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi mưa bão khá nặng nên chưa thể thu hái rộ đưa ra thị trường. Trong khi đó cuộc khủng hoảng logictics toàn cầu vẫn rất trầm trọng, khiến tàu bè ách tắc, container rỗng thiếu hụt.

Trong khi đó, sau thời gian giảm, giá Arabica đã được cải thiện. Nguyên nhân do giá trị đồng Real của Brazil tăng, và các quỹ đầu cơ tăng mua trên sàn New York. Ngoài ra tại Nam Mỹ, tình trạng hàng hóa ùn ứ vì thiếu container rỗng cũng đang diễn ra, khiến nguồn cung bị đe dọa, kích thích giá tăng.

Về nhận định thị trường, chuyên gia Nguyễn Quang Bình nhận xét, từ đầu năm giá sàn London đi từ dưới 1.400 lên trên 2.172 USD/tấn, tức tăng chừng 55% có thể được giải thích là do: Chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu đứt gãy, lượng tồn kho tại các nước tiêu thụ giảm rõ; Nền giá hàng hóa tăng, nhất là nhóm năng lượng, nên giá cà phê cũng tăng cho cân đối mà không cần dựa vào các yếu tố cung cầu; Cước tàu biển tăng và sàn giao dịch đã “tạo điều kiện” thuận lợi cho các nhà kinh doanh giao hàng nên mới có đợt “vắt giá” dài cho đến nay vẫn chưa dứt. Đó là chưa nói tới nguồn vốn dồi dào được các ngân hàng trung ương tung ra cứu nền kinh tế.

Bối cảnh thị trường sắp tới còn có yếu tố lạm phát. Điều đó cũng giúp cho giá hàng hóa có điều kiện vững hay tăng vì giá thành sản xuất và chế biến tăng, nhà sản xuất không thể hạ giá và nhà chế biến phải tìm cách nâng giá sản phẩm.

Chuyên gia Nguyễn Quang Bình đưa ra lời khuyên, trữ hay tạm trữ cà phê chờ giá lên là cách làm nên tránh, đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến nửa đầu năm 2022.

"Chính sách tiền tệ các nước tiêu thụ sẽ phải thay đổi thường xuyên như tăng lãi suất hạn chế lạm phát, thu hồi các gói hỗ trợ làm khối lượng tiền mặt trên thị trường nhỏ lại. Giá sẽ dao động mạnh đến cực mạnh vì các quỹ đầu tư tài chính sẽ tính các cách tối ưu để tăng lợi nhuận và tránh rủi ro. Sự lên xuống thất thường nói lên tính không bền vững của thị trường hàng hóa nhất là cà phê, vốn rất nhạy cảm với yếu tố tiền tệ. Hơn nữa, sản lượng cà phê Brazil năm 2022 sẽ vào chu kỳ được mùa. Đồng thời Uganda đang quyết tâm giành lại vị thế trên thị trường Robusta bằng cách tăng cả sản lượng lẫn lượng xuất khẩu. Thị trường đang tin theo Bộ Nông nghiệp Mỹ rằng năm kinh doanh 2022, Việt Nam có trên 1,8 triệu tấn", ông Nguyễn Quang Bình thông tin.