Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá cà phê hôm nay 6/7: Giá xuất khẩu đang cao nhất trong 2 năm qua, thị trường quý 3 dự kiến kém sôi động

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 6/7 trong khoảng 35.000 - 35.900 đồng/kg. Trong ngày thị trường New York nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ thì sàn London quay đầu giảm, không giữ được đà tăng.

Giá cà phê hôm nay 6/7: Giá xuất khẩu đang cao nhất trong 2 năm qua, thị trường quý 3 dự kiến kém sôi động
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 35.000 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 35.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 35.800 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 35.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 35.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 35.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 35.800 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 35.700 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giảm trung bình 300 đồng/kg với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Tuần qua, giá đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 2 năm theo xu thế của giá thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong nửa đầu năm nay ước tính giảm 12,3% so với năm trước xuống 825.000 tấn.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2021 giảm 20 USD/tấn ở mức 1.687 USD/tấn, giao tháng 11/2021 giảm 16 USD/tấn ở mức 1.683 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York vẫn giữ nguyên như cuối tuần trước, do thị trường nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ. Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 ở mức 153.05 cent/lb, giao tháng 12/2021 ở mức 155.95 cent/lb.

Giá Robusta giảm trong bối cảnh nước Anh đang có số ca lây nhiễm Covid-19 nhiều nhất kể từ tháng 1/2021. Chỉ số DXY giảm, các sàn năng lượng và kim loại kể cả vàng đều tăng, duy có cà phê giảm. Hiện tượng "vắt giá" vẫn xảy ra trên sàn London do lo ngại thiếu hàng cục bộ. Tình trạng thiếu container rỗng và giá cước vận tải tăng quá cao gây gián đoạn nguồn cung chưa biết bao giờ mới chấm dứt.

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, trong các tháng 7 và 8 hàng năm, thị trường hàng thực giảm sôi động do các nhà kinh doanh vào kỳ nghỉ. Tháng 9 sôi động hơn vì người mua và người bán bắt đầu dò giá và chào hàng. Thị trường đang lo mùa hè này giao dịch sẽ yên ắng hơn, thậm chí tháng 9 chưa chắc sẽ sôi động nếu như người mua và người bán chưa chấp nhận giá cước tàu biển.

Giả sử như người thuê tàu (trong kinh doanh cà phê, thường là người mua trả tiền cước theo điều kiện FOB) chấp nhận giá cước cao, giá cà phê phái sinh còn có cửa tăng nhưng ngược lại giá cà phê hàng thực trên các thị trường nội địa sẽ chịu sức ép giảm giá. Điều này sẽ phản ánh trên giá xuất khẩu ngày càng bị trừ sâu.