Giá cả thị trường trong tuần: Vàng cùng xăng dầu tăng mạnh, trái cây và thực phẩm đều giảm

Minh An/Tieudung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cả thị trường trong tuần này có xu hướng giá vàng, xăng dầu tăng mạnh; trong khi trái cây và thực phẩm đồng loạt giảm giá...

Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức trên 1.730 USD/oz, tăng hơn 6 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Tuần qua, giá vàng thế giới có 5 phiên tăng, chỉ có 1 phiên giảm. Theo đánh giá của chuyên gia, giá vàng quốc tế được hỗ trợ nhờ Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố kết quả báo cáo tháng 6 và nhận định tình hình kinh tế của Mỹ trong năm 2020.
Fed thận trọng nhận định, kinh tế Mỹ quý 2 giảm mạnh đến trên 50% và phục hồi trở lại từ quý 3/2020. Tuy nhiên, cả năm 2020 tăng trưởng GDP của Mỹ vẫn giảm 6,5%. Lần đầu tiên các quan chức trong cơ quan này đồng nhất quan điểm giữ lãi suất gần bằng 0% kéo dài cho đến khi kinh tế Mỹ phục hồi mạnh, có thể đến năm 2022.
Tuần qua, giá vàng tăng mạnh.

Việc duy trì lãi suất gần bằng 0% như hiện nay và kéo dài như vậy, cùng với việc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ vẫn chưa có hồi kết đã khiến cho nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ còn khá nhiều thời gian nữa mới tăng trưởng trở lại.
Tính chung trong tuần, giá vàng thế giới đã tăng 44 USD/oz so với giá mở cửa tuần. Phiên tăng mạnh nhất là ngày 11/6 với mức tăng 24 USD/oz, sau khi Fed công bố báo cáo.
Tuần qua, mặc dù giá vàng thế giới biến động mạnh, nhưng vàng trong nước điều chỉnh không nhiều. Hầu hết các phiên đều đi theo xu hướng thế giới, nhưng mức điều chỉnh giá chỉ từ 30.000 đồng đến 100.000 đồng/lượng mỗi phiên. Các DN cũng thu hẹp chênh lệch giá giữa chiều mua và bán chỉ còn từ 150.000 - 350.000 đồng/lượng đối với vàng SJC.
Cuối tuần, mặc dù giá vàng thế giới vẫn tăng nhẹ, nhưng vàng SJC lại đi xuống. Việc giá vàng SJC giảm khi thị trường quốc tế vẫn tăng và các DN phải thu hẹp chênh lệch mua - bán cho thấy lực cầu trong nước yếu.
Tính chung trong tuần vàng SJC trên thị trường tự do tăng 110.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Tại các DN tăng 150.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Giới phân tích cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau dịch bệnh Covid-19. Do đó, nhà đầu tư đã chuyển từ mua tài sản dự trữ là vàng sang đầu cơ sinh lời. Điều này thể hiện rõ trong tuần qua thị trường chứng khoán Việt đã "hút" mạnh dòng tiền, mỗi phiên có từ 7.000 - 10.000 tỷ đồng được giao dịch qua thị trường chứng khoán, tăng mạnh so với thời điểm trước.
Dự báo của chuyên gia, kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ vững và 2 tháng sau đây khi Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với EU có hiệu lực thì kinh tế tiếp tục khởi sắc và giá vàng trong nước có thể tiếp tục giảm mạnh.
Giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh
Tại kỳ điều chỉnh ngày 12/6, Liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện trích, xả Quỹ bình ổn xăng dầu. Theo đó, mỗi lít xăng E5RON92 trích 100 đồng, RON 95 trích 200 đồng, các mặt hàng dầu trích 100 - 800 đồng một lít, kg tùy loại.
Giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh.

Liên Bộ cũng chi từ Quỹ bình ổn 800 đồng cho mỗi lít xăng E5 RON92, xăng RON 95 là 500 đồng và dầu madut 200 đồng.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92: Tăng 1.188 đồng/lít; xăng RON95-III: Tăng 1.055 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: Tăng 766 đồng/lít; dầu hỏa: Tăng 853 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: Tăng 1.030 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: Không cao hơn 14.190 đồng/lít; xăng RON95-III: Không cao hơn 14.580 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 11.515 đồng/lít; dầu hỏa: Không cao hơn 9.610 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 10.522 đồng/kg.
Thanh long rớt giá vì cung vượt cầu
Hiện tại, nông dân trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp) rất lo lắng khi giá loại trái cây này giảm mạnh so với tháng trước.
Cụ thể, thanh long ruột đỏ loại 1 đang được thương lái thu mua tại vườn với giá 20.000 đồng/kg; loại 2 giá 10.000 đồng/kg; loại 3 giá 5.000 đồng/kg. Mức giá này giảm khoảng 15.000 đồng/kg so với tháng trước.
Thanh long rớt giá vì cung vượt cầu.

Ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Thanh long hội quán (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành) cho biết: "Đến nay, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát nhưng giá thanh long ruột đỏ vẫn còn khá thấp.

Nguyên nhân do loại trái cây này đang vào thời điểm chính vụ, nhiều địa phương trên cả nước như Bình Thuận, Long An... cũng ồ ạt thu hoạch, khiến lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường quá lớn, gây ra tình trạng cung vượt cầu".
Tương tự, tại huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam trong ngày 1/6, thanh long được bán tại vườn với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg hàng xô. Thậm chí, những vườn thanh long có trái xấu, không đảm bảo chất lượng đã bị từ chối thu mua.
Bà Nguyễn Thị Thanh (xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc) chia sẻ: "Do cây thanh long gặp hạn, nên tôi đã không chong đèn, để ra hoa tự nhiên vụ mùa. Tuy nhiên, cách đây 3 ngày, tôi buộc bán với giá 3.000 đồng/kg hàng xô tại vườn. Lứa sắp tới khoảng 10 ngày nữa sẽ chín rộ".
Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng rơi vào tình trạng lỗ vốn như vậy. Bởi tại các vườn thanh long được chăm sóc tốt, đạt tiêu chuẩn an toàn vẫn được thu mua giá cao hơn.
Điển hình tại cơ sở thu mua thanh long Bối Trác ở xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam thu mua với giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg hàng đẹp. Riêng thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, xuất sang châu Âu vẫn bán với giá 18.000 đồng/kg.
Giá cá tra giảm mạnh
Hiện giá cá tra nguyên liệu tại Cần Thơ đang chạm đáy. Cụ thể, cá thương phẩm vượt kích cỡ (size lớn) hiện có giá từ 17.000 - 18.000 đồng/kg với hình thức trả tiền ngay sau khi bán cá. Còn nếu thanh toán sau một tháng là 19.000 đồng và sau ba tháng là 19.500 đồng/kg.

Giá cá tra giảm mạnh trong tuần qua.

Trước khó khăn trên, nhiều nông hộ nuôi cá tra ở Cần Thơ vẫn thả cá giống, nhưng không cho ăn để giảm chi phí.
Cùng với đó, giá cá giống cũng đang ở mức rất thấp, chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá giống chịu lỗ từ 3.000-4.000 đồng/kg so với giá thành sản xuất.
Dù bán với giá rất thấp, nhưng người nuôi cá tra vẫn chấp nhận vì nếu để lâu sẽ càng lỗ nặng bởi cá quá lứa, hệ số tiêu thụ thức ăn rất cao. Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cần Thơ, hiện cá tra thương phẩm nông dân đang lỗ tới 5.000 đồng/kg.
Trước tình hình khó khăn của ngành cá tra, lãnh đạo Sở Công Thương Cần Thơ nhận định, trong 6 tháng cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, nguồn cá nguyên liệu sẽ sụt giảm.
Giá thịt lợn giảm mạnh
Tuần qua, sau thông tin lợn sống chính thức được nhập khẩu, đã khiến giá lợn hơi trên cả nước giảm mạnh. Cụ thể, tại miền Bắc: Giá lợn hơi ngày 13/6 tại tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang, Ninh Nình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Nguyên, Hưng Yên dao động từ 90.000 - 94.000 đồng/kg. Tại tỉnh Phú Thọ giá lợn hơi được thu mua với mức thấp nhất toàn miền 88.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi giảm mạnh.

Tại miền Trung - Tây Nguyên: Ở tỉnh Thanh Hóa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Nghệ An, Khánh Hòa giá lợn hơi được thu mua từ 90.000 - 93.000 đồng/kg. Tại tỉnh Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Bình, Huế, Quảng Trị giá lợn hơi được thu mua với thấp hơn từ 84.000 - 89.000 đồng/kg.
Tại miền Nam: Các địa phương như: Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Vũng Tàu, Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương giá lợn hơi dao động từ 90.000 - 92.000 đồng/kg. Tại tỉnh Cà Mau, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh giá lợn hơi được thu mua với mức thấp hơn từ 86.000 - 88.000 đồng/kg.