Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá cát liên tục biến động

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cát xây dựng và cát san lấp mặt bằng cùng với các loại vật liệu xây dựng khác chưa có dấu hiệu dừng lại mà vẫn tăng.

Cát xây dựng cùng nhiều loại VLXD khác tăng giá khiến nhiều DN ''đứng ngồi không yên''. (Ảnh minh hoạ)
Cát xây dựng cùng nhiều loại VLXD khác tăng giá khiến nhiều DN ''đứng ngồi không yên''. (Ảnh minh hoạ)

Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, giá cát khu vực Chèm, Bắc Từ Liêm, giá cát thời điểm cận Tết vẫn đang ở mức cao.

Cụ thể, cát sông Lô dao động từ 320.000 - 380.000 đồng/m3; với cát đen, tô trát và san lấp 130.000 - 160.000 đồng/m3.

Những ngày cuối tháng 12/2021, giá bán cát dùng cho đổ bê tông từ 385.000 - 460.000 đồng/m3 và cát đen, tô trát và cát san lấp 65.000 - 90.000 đồng/m3.

Việc giá cát đang ở mức cao khiến nhiều công trình, nhà ở của người dân đã được xây bó nền từ lâu nhưng vẫn chưa thể san lấp vì... thiếu cát.

Có một căn nhà đang cần "đập đi xây lại" trên đường Thuỵ Khuê (quận Tây Hồ), anh Nguyễn Ngọc Đức cho biết, thời điểm bắt đầu xây dựng, giá cát chỉ trên dưới 100.000 đồng/m3, nhưng đến cuối năm giá cát đã lên gần 300.000 đồng/m3.

Không chỉ giá cát mà các loại vật liệu xây dựng (VLXD) cơ bản khác như thép, xi măng... cũng tăng giá, khiến anh khó lòng cân đối được tài chính. "Tôi đang tính khả năng phải qua Tết cho giá cả giảm xuống mới tiếp tục xây dựng" - anh Đức ngán ngẩm.

Chuyện giá VLXD tăng "chóng mặt" không chỉ khiến người dân ngám ngẩm mà đến các DN xây dựng cũng "đứng ngồi không yên". Anh Bùi Văn Dũng - Giám đốc CP kỹ thuật và giải pháp công trình ITSPRO cho biết, giá cát san lấp hay xây dựng đang tăng chóng mặt khiến nhiều DN xây dựng nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn tất dự án để quyết toán vào giai đoạn cuối năm.

Nguồn cung cát xây dựng hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 40-50% nhu cầu. (Ảnh minh hoạ)
Nguồn cung cát xây dựng hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 40-50% nhu cầu. (Ảnh minh hoạ)

Các chuyên gia xây dựng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giá cát xây dựng tăng trong thời gian gần đây, trong đó đầu tiên là do lệch pha cung cầu cát xây dựng. Số liệu cấp phép của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, TP cho thấy, tổng khối lượng khai thác cát xây dựng giai đoạn 2011 - 2015 là 62 triệu m3/năm, trong khi đó nhu cầu sử dụng cát xây dựng hằng năm khoảng 130 triệu m3.

 

"Cần tăng cường quản lý, xác định đúng nhu cầu sử dụng cát xây dựng, vật liệu san lấp tại địa phương; quản lý việc lưu thông vận chuyển cát, sỏi xây dựng; quản lý bến bãi, cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, thường xuyên nắm thông tin về giá cả, nguồn cung đặc biệt là yêu cầu niêm yết giá bán cát công khai, minh bạch, chống việc đầu cơ, tích trữ để tăng giá" - TS Tống Tôn Kiên, Khoa VLXD,  trường Đại học Xây dựng

Với số lượng và trữ lượng các mỏ cát dần cạn kiệt, tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng dẫn đến nguồn cung chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu sử dụng. Một số địa phương có nhu cầu sử dụng cát lớn, tuy nhiên không có nguồn cát tại chỗ, phải vận chuyển từ khoảng cách xa nên tăng chi phí.

Ngoài ra, các chủ dự án công trình xây dựng và chính quyền địa phương còn bị động trong việc cân đối nguồn cung cấp cát; chưa chế tài bắt buộc sử dụng nguồn vật liệu thay thế cát tự nhiên như vật liệu tro, xỉ, chất thải.

TS Tống Tôn Kiên - Khoa VLXD, trường Đại học Xây dựng bổ sung thêm, trong những năm gần đây, tình trạng khai thác và sử dụng cát tự nhiên tại Việt Nam ngày càng lớn, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng. Vì vậy, giá thành của nguyên vật liệu cát tự nhiên ngày càng tăng. Cùng với đó, trữ lượng nguồn nguyên vật liệu cát tự nhiên ngày càng giảm mạnh. Do đó, việc ứng dụng loại nguyên vật liệu mới để thay thế cát tự nhiên là việc làm cần thiết và cát nghiền là một trong những giải pháp hữu hiệu.

"Nguồn vật liệu có thể thay thế cát tự nhiên ở nước ta rất lớn, bao gồm: Đá mạt, phế thải xây dựng và vật liệu thu hồi thải từ ngành công nghiệp khai thác mỏ; tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện. Trong đó, cát nghiền thay thế cát tự nhiên đã được sử dụng từ lâu tại công trình thủy điện Sơn La.

Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất cát nghiền thay thế cát tự nhiên chưa được nhiều, mới có khoảng gần chục cơ sở sản xuất cát nghiền tập trung tại Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai với tổng công suất đạt khoảng 3,0 triệu m3/năm" - TS Tống Tôn Kiên cho hay.

Theo quy hoạch mà Bộ Xây dựng triển khai, cát ở Việt Nam những năm tới vẫn thiếu. Nghị định 23 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/4/2020 đã khuyến khích, thăm dò, đánh giá khoáng sản để sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên.

Tuy nhiên để đảm bảo cung cầu và bình ổn giá không chỉ với cát, mà cho các sản phẩm VLXD nói chung cần hoàn thiện những tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm mục tiêu tăng cường sử dụng cát nhân tạo trên địa bàn cả nước. Sớm ban hành nghị định về quy chế quản lý hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải và vùng nước cảng biển. Đồng thời, phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc cơ chế pháp lý về khai thác cát ngay tại các địa phương...