70 năm giải phóng Thủ đô

Giá chung cư đang chững lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn biến giao dịch thực tế trên thị trường BĐS đang cho thấy giá chung cư sẽ khó tăng mạnh, tuy nhiên cũng không phải lo lắng về khả năng thị trường sẽ quay lại cảnh trầm lắng trong năm 2016.

Sở Xây dựng Hà Nội đã chính thức công bố chỉ số giá giao dịch BĐS căn hộ chung cư quý II, quý III, quý IV và cả năm 2015. Chỉ số giá này là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động về giá giao dịch thành công theo thời gian của BĐS là căn hộ chung cư với thời điểm gốc là quý I/2011 đối với 9 quận. Riêng địa bàn quận Hai Bà Trưng, thời điểm gốc là quý IV/2013. 
Khu chung cư cao tầng tại bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai. 	Ảnh: Chiến Công
Khu chung cư cao tầng tại bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai. Ảnh: Chiến Công
Theo chỉ số giá vừa được công bố, về phân khúc căn hộ chung cư trung cấp, quận Hai Bà Trưng đạt mức điểm phần trăm cao nhất so với thời điểm gốc, đạt 98%. Tiếp đến là quận Cầu Giấy, đạt 90%; Tây Hồ và Ba Đình cùng đạt mức 87%. Ở phân khúc trung cấp, chung cư tại quận Bắc Từ Liêm có chỉ số giao dịch ở mức thấp nhất 73%. Tại Nam Từ Liêm giá nhỉnh hơn đôi chút, đạt mức 74%.

Với phân khúc căn hộ chung cư cao cấp, tại quận Thanh Xuân chỉ số giá giao dịch đạt 95% so với thời điểm gốc, cao nhất trong số 10 quận. Tiếp đến là Tây Hồ đạt 79%; Cầu Giấy đạt 78%; Nam Từ Liêm đạt 77%.

Qua số liệu của 3 quý liên tiếp có thể thấy xu hướng giá chung cư tại Hà Nội đang chững lại khi tại phần lớn các quận, các phân khúc được thống kê chủ yếu giữ giá hoặc giảm nhẹ. Duy nhất chung cư cao cấp tại quận Tây Hồ có mức tăng nhẹ từ 78% vào quý II lên 80% vào quý III và đạt 81% vào quý IV. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2015, chỉ số này của quận Tây Hồ cũng chỉ đạt 79%. 

Số lượng giao dịch đã tăng khá nhưng giá khá bình ổn, diễn biến này được đánh giá là tích cực đối với thị trường BĐS vì thị trường cũng chỉ vừa mới bước qua giai đoạn khó khăn nhất. Mặt khác, nguyên nhân khiến giá các sản phẩm chung cư không tăng mạnh vào dịp cuối năm là do nguồn cung của các dự án khá lớn, các chủ đầu tư đang gặp sức ép về cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm nên không thể tăng giá bán. 

Với phân khúc nhà ở giá trung bình và giá trên trung bình, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, giá cả hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện hạ tầng, dịch vụ công công, môi trường, dân trí. Có thể nói nửa cuối năm 2015 thuộc về giao dịch nhà ở, căn hộ thuộc phân khúc nhà ở giá trung bình và trên trung bình, phân khúc mà khoảng hai năm về trước vẫn thấy dường như khó có thể có giao dịch. 

Nói đến cầu trong phân khúc này, ông Đặng Hùng Võ lưu ý, chúng ta cần thấy quá trình đô thị hóa ở Việt Nam mới được 30% mà phải hoàn thành tới mức 70% trong một tương lai khá gần, và tiếp tục ở mức 80% hay 90% trong những năm tiếp theo. Điều này cho thấy triển vọng lớn của phân khúc giá trung bình và trên trung bình trong những năm tiếp theo. Trong năm 2016, không cần phải lo sợ rằng thị trường sẽ rơi vào trầm lắng. BĐS vốn là thị trường có sức ì rất lớn, một xu hướng cũng phải diễn ra trong vài năm. Điều cần làm lúc này là làm gì để hút được vốn vào đầu tư BĐS ở nhiều dạng khác nhau, trong đó có vốn từ tiết kiệm của dân, vốn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước, vốn từ người nước ngoài… Để hút được vốn, cần chứng minh được khả năng sinh lợi cao và an toàn khi đầu tư vào BĐS.