Giá đất hai bên cầu Vĩnh Tuy tăng: Cảnh giác với tin đồn thất thiệt

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, khi dự án đường Vành đai 2 chính thức được khởi công giai đoạn 2, nhiều người dân đã đổ xô tìm mua nhà đất dọc tuyến đường này, vì thế, giá đất được đẩy lên cao hơn.

Các chuyên gia cảnh báo người mua phải cảnh giác với những tin đồn để không bị “tiền mất, tật mang”.
Không tăng giá
Trong vai người đi mua đất, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã gặp anh Phí Thanh Toàn, làm nghề môi giới BĐS tại phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Anh Toàn cho biết, từ khi dự án đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở được khởi công, giá đất tại khu vực không ngừng tăng.
 Nhiều dự án bất động sản đang được triển khai dọc trục đường Vành đai 2 - cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Công Hùng
“Năm ngoái, đất mặt tiền đường Minh Khai có giá khoảng 200 triệu đồng/m2. Hiện nay đã lên 250 - 270 triệu đồng/m2 nhưng mấy tháng nay không có mảnh đất nào ở mặt đường được giao dịch cả vì không có mà bán. Còn đất trong ngõ rộng trên 3m có giá khoảng 130 - 150 triệu đồng/m2” - anh Toàn cho hay.
Khảo sát thực tế tại các khu dân cư, hiện tại, việc tìm mua nhà đất tại mặt đường Minh Khai rất khó khăn, song sản phẩm trong ngõ vẫn được giao dịch bình thường và còn có dấu hiệu đi xuống so với thời điểm cách đây vài năm.
Thị trường nhà, đất trong khu dân cư cũng không thực sự sôi động như tin đồn. Chị Lê Như Quỳnh, trú tại tổ 8C phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng) cho biết, năm 2014, gia đình chị mua một mảnh đất rộng 33m2 trong ngõ đường Minh Khai (đoạn gần chân cầu Vĩnh Tuy) với giá 4 tỷ đồng - tương đương trên 120 triệu đồng/m2.
Nhưng hiện tại, gia đình chị cần tiền để mở cửa hàng kinh doanh, khi chào bán thì chỉ được trả giá 3,5 tỷ đồng. “Với mức giá này, tôi đã bị lỗ khá nhiều nếu tính cả giá trị thực tế khi mua và lãi suất ngân hàng từ thời điểm đó đến giờ” - chị Quỳnh chia sẻ.

"BĐS là lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất khi dự án mở rộng đường Vành đai 2 được triển khai. Cùng với diện mạo con đường ngày càng được hiện rõ, giá trị các sản phẩm BĐS tại khu vực này cũng sẽ được điều chỉnh xứng đáng với giá trị thực của nó. Tuy nhiên, người dân không nên vì mục đích “lướt sóng” nhanh để kiếm lời mà bị “sập bẫy” đầu tư." -

Ở phía Đông cầu Vĩnh Tuy, thuộc địa bàn quận Long Biên, giá các sản phẩm BĐS không có nhiều biến động. Chị Phan Thị Lam, trú tại tổ 12, phường Thạch Bàn (Long Biên) cho biết, đất nền tại khu vực này hiện có giá khoảng 40 triệu đồng/m2 và đã ổn định từ vài năm nay.
Trong khi đó, đại diện UBND phường Vĩnh Tuy cũng khẳng định, thời gian gần đây, giá nhà, đất trên địa bàn phường không có sự biến động lớn do các khu dân cư đã ổn định sinh sống từ lâu và cũng đã được lấp đầy. “Nếu có tăng giá cũng tăng không đáng kể và phần tăng này có thể do người mua phải chịu thêm chi phí cho môi giới” - đại diện UBND phường Vĩnh Tuy nói.
Cẩn trọng không thừa
Cùng với nhà đất trong khu dân cư, nhóm sản phẩm nhà chung cư thuộc các dự án cũng được đánh giá vẫn ổn định. Đứng đầu là giá bán của Times City với giá 40 - 50 triệu đồng/m2; trong khi đó nhóm dự án phía bên kia cầu (thuộc địa bàn quận Long Biên) có giá từ 20 - 30 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT 10% và phí bảo trì 2%).
Hai bên cầu Vĩnh Tuy là khu vực tập trung nhiều dự án chung cư cao cấp, trung tâm thương mại lớn của quận Hai Bà Trưng và Long Biên. Đơn cử, ở khu vực phía Tây cầu Vĩnh Tuy có dự án Khu đô thị Times City và khu phía Đông có tổ hợp trung tâm thương mại, mua sắm, giải trí cao cấp AEON MALL Long Biên.
Sự có mặt của các dự án này đã góp phần đáng kể vào việc tăng giá trị sản phẩm BĐS. Cùng với việc xây dựng, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 đã giúp cho giao thông đi lại thuận tiện, rút ngắn thời gian di chuyển và cũng là tiền đề thúc đẩy các tiện ích dịch vụ khác như thương mại, vui chơi, giải trí phát triển. Đây cũng là cơ sở để các dự án BĐS dọc tuyến đường này nhận được nhiều hơn sự quan tâm của khách hàng.
Những năm qua, thị trường BĐS tại TP Hà Nội nhiều thời điểm bị nhiễu loạn về giá do thông tin liên quan đến làm đường và nâng cấp đơn vị hành chính từ huyện thành quận. Điển hình là tại huyện Đông Anh, đội ngũ môi giới đã thổi giá các sản phẩm lên cao gấp từ 2 - 3 lần giá trị thực tế. Tại đây, chứng kiến nhiều lần “cò” đất thổi giá khi TP chuẩn bị xây dựng cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù... và kết quả là nhiều nhà đầu tư đã phải ăn “quả đắng” vì những tin đồn này.
Theo ông Nguyễn Tuấn Minh - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam), bài học nhãn tiền tại khu vực có dự án mở đường trên địa bàn Hà Nội vẫn còn hiện hữu, người dân cần phải cẩn trọng với những tin đồn về tăng giá đất khi có dự án hạ tầng mới được triển khai. “Tốt nhất là khi có nhu cầu mua nhà, đất, người dân không nên quá tin tưởng vào đội ngũ "cò" đất. Những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo thị trường. Bên cạnh đó, tính pháp lý của sản phẩm vẫn là vấn đề phải được quan tâm hàng đầu” - ông Minh khuyến cáo.