Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đến đầu giờ sáng 6/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2022 đứng ở mức 67,78 USD/thùng, tăng 1,52 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 2/2022 đứng ở mức 71,42 USD/thùng, tăng 1,54 USD/thùng trong phiên.
Ảnh minh họa. |
Về phía cung, giới đầu tư tin rằng OPEC+ sẽ khó đạt được mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày trong tháng 12/2021 khi trong tháng 11/2021, sản lượng của OPEC đạt thấp hơn khá nhiều so với mức sản lượng được phân bố.
Từ phía cầu, trái với kỳ vọng về sự bình ổn của thị trường khí đốt ở châu Âu sau cam kết của Tổng thống Putin, nguồn cung khí đốt cho khu vực châu Âu từ Nga đã tăng không đáng kể. Thậm chí theo ghi nhận, dòng khí đốt trên đường ống Yamal - châu Âu qua Belarus đến Ba Lan và Đức ở mức thấp hoặc không tồn tại trong một số ngày, và đôi khi bị đảo ngược để chảy về phía đông từ Ba Lan.
Sản lượng khí cung cấp không tăng, hoặc tăng ở mức hạn chế đã dấy lên khả năng thiếu hụt nguồn cung khí khi mùa đông giá đang diễn ra tại nhiều quốc gia châu Âu. Điều này được dự báo sẽ thúc đẩy mạnh các nhu cầu tiêu thụ dầu do nhiều nhà cung cấp năng lượng sẽ lại tính đến chuyện thay đổi nhiên liệu từ khí sang dầu như một phương án nhằm ổn định hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, giá dầu hôm nay cũng chịu áp lực giảm giá bởi đồng USD tăng cao và dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể Omicron vẫn đang lan rộng ra nhiều quốc gia.