Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 31/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2022 đứng ở mức 106,26 USD/thùng, giảm 1,56 USD/thùng trong phiên.
Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 112,17 USD/thùng, giảm 1,29 USD/thùng trong phiên.
Các chuyên gia nhận định, lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chững lại do áp lực lạm phát và dịch bệnh đẩy giá dầu ngày 31/3 giảm mạnh.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 30/3 đã phát đi thông báo cho biết, ước tính GDP quý IV/2021 của nước này chỉ tăng 6,69%, thấp hơn còn số ước tính 7% được đưa ra trước đó. Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ công bố trước đó, trong tháng 3/2022, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 455.000 việc làm, phù hợp với mức dự báo được đưa ra, nhưng lại giảm nhẹ so với mức 486.000 của tháng 2/2022.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 30/3 đã đưa cảnh báo về nguy cơ giá năng lượng leo thang do cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine có thể kìm hãm, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế của các nền kinh tế EU.
Tại Trung Quốc, trước diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 nước này đã phải tái áp dụng các biện pháp phong toả, hạn chế đi lại.
Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do thị trường vẫn đang ghi nhận một lượng lớn dầu Nga vẫn đang được các nước tiêu thụ, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngược lại, giá dầu hôm nay cũng đang được hỗ trợ bởi loạt thông tin cho thấy nguồn cung dầu thô vẫn đang bị thắt chặt.
Báo cáo mới nhất của Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 25/3, lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 3 triệu thùng, cao gấp 3 lần mức giảm trung bình mà giới phân tích dự đoán trong cuộc khảo sát trước đó.
Mỹ và các nước đồng minh cũng được cho là đang lên kế hoạch cho việc triển khai thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với các lĩnh vực kinh tế của Nga.
Nguồn cung dầu từ OPEC+ cũng được dự báo sẽ không có đột phá và vẫn giữ nguyên mức tăng 400.000 thùng/ngày như thoả thuận đã đạt được trước đó.