Giá dầu giảm duy trì đà giảm do chờ những quyết sách từ OPEC +

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 gia tăng, giá dầu hôm nay 2/1 vẫn duy trì mức giảm do đang chờ những quyết định từ OPEC + sẽ được đưa ra trong phiên họp sắp tới.

Chốt tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đầu giờ sáng ngày 2/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 75,21 USD/thùng, giảm 2,31% (tương đương 1,78 USD/thùng) trong phiên.

Còn dầu thô Brent giao tháng 2 là 77,78 USD/thùng, giảm 1,75 USD/thùng (tương đương 2,20%).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhìn nhận, về cơ bản, giá dầu trong tuần đã duy trì đà tăng và từng có thời điểm suýt chạm ngưỡng 80 USD/thùng. Nguyên nhân khiến giá dầu tăng cao là do sự gián đoạn sản xuất ở Ecuador, Libya và Nigeria và sự kỳ vọng về một đợt sụt giảm lớn nữa trong tồn kho dầu thô của Mỹ.

Bên cạnh đó, chính phủ nhiều nước áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế tác động của các ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục đối với tăng trưởng kinh tế, như nới lỏng các quy tắc xét nghiệm cũng làm giá dầu tiếp đà tăng.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch đầu năm 2022, triển vọng tiêu thụ dầu có dấu hiệu suy yếu là nguyên nhân chính khiến giá dầu ngày 1/1 lao dốc mạnh.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đầu giờ sáng ngày 1/1/2022 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 75,45 USD/thùng, giảm 1,54 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 77,68 USD/thùng, giảm 1,85 USD/thùng trong phiên.

Giá dầu giảm mạnh do thị trường lo ngại nhu cầu năng lượng, trong đó có dầu thô, giảm khi các nước châu Á chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 kéo dài.

Trước đó, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu dầu đợt đầu tiên năm 2022 đối với hầu hết các nhà máy lọc dầu độc lập khoảng 11% so với hạn ngạch cùng kỳ 2020. Tiếp sau quyết định giảm hạn ngạch nhập khẩu dầu trong đợt đầu tiên trong năm 2022 của Trung Quốc, Saudi Arabia được cho sẽ thực hiện một đợt giảm giá mạnh đối với các khách hàng châu Á vào tháng 2/2022.

Theo nhiều nguồn tin trên thị trường, Sau khi giảm giá dầu bán cho các nước Trung Đông, Ả Rập Xê Út có thể thiết lập các đợt giảm giá mạnh đối với khách hàng châu Á vào tháng 2 năm 2022. Riyadh dự kiến ​​sẽ giảm giá bán chính thức (OSP) sau khi đã tăng giá với với tất cả các loại dầu giao vào tháng Giêng 2022.

Mức giảm dự kiến ​​sẽ nhiều hơn một đô la trong tháng 2/2022 so với tháng 1/2022. Việc này sẽ đưa giá trở lại mức thấp nhất trong vòng ba tháng qua. Riyadh hiện đang chờ đợi cuộc họp OPEC+ tiếp theo dự kiến ​​vào ngày 4 tháng 1 năm 2022 để thiết lập chiến lược của mình.

Khi mà nhu cầu tiêu thụ dầu có dấu hiệu suy yếu thì nguồn cung dầu thô lại được dự báo sẽ tiếp tục được bổ sung thời gian tới.

Dù trồi lúc sụt, song cả hai mặt hàng dầu WTI và Brent đều đạt mức giá tăng trong khoảng 50-60% trong năm 2021 khi nhu cầu nhiên liệu tăng lên gần với mức trước đại dịch và sự cắt giảm sản lượng sâu trong hầu hết năm của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC +) giúp xóa bỏ tình trạng “dư cung”. Trong năm 2021, giá dầu Brent tăng 50,5%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2016. Còn WTI đạt mức tăng 55,5%, mức tăng mạnh nhất đối với hợp đồng chuẩn  này kể từ năm 2009, khi giá tăng hơn 70%.

Đáng chú ý là, trong tháng 10/2021, cả Brent và WTI đều chạm “đỉnh” của năm: 86,70 USD/thùng đối với dầu Brent, cao nhất kể từ năm 2018 và 85,41 USD/thùng đối với dầu WTI, cao nhất kể từ năm 2014.

Theo nhiều nhà phân tích, giá dầu có thể tăng lên tới hơn 100 USD/thùng. Nhưng OPEC + chắc sẽ không thể ngồi yên để giá dầu bị “đẩy” lên quá cao bởi nhóm này luôn nỗ lực bình ổn thị trường dầu.

Hiện tất cả đang “chờ” quyết sách từ phía OPEC + trong lần nhóm họp tới ngày 4/1 có tiếp tục tăng sản lượng lên tổng cộng 400.000 thùng/ngày vào tháng Hai.