Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 4/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 110,55 USD/thùng, tăng 2,88 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 113,10 USD/thùng, tăng 2,64 USD/thùng trong phiên.
Giới phân tích nhận định, lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô ngày một gia tăng, do những khó khăn trong khâu vận chuyển và thanh toán hợp đồng dầu của Nga, đẩy giá dầu ngày 4/3 tăng mạnh.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường dầu thô được dự báo còn lớn hơn nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine không chấm dứt, và các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây tiếp tục được áp đặt với Nga. Bởi Nga là nước có sản lượng khai thác lớn nhưng công suất lọc dầu lại rất khiêm tốn, vì vậy Nga vẫn luôn được biết đến là nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, bất chấp việc giá dầu thô tăng cao đang gây áp lực đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, OPEC+ vẫn quyết định duy trì mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng Tư tới. Trước đó, nhiều thành viên OPEC+ cũng khẳng định vẫn tôn trọng các thoả thuận về sản xuất dầu thô với Nga.
Giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy mạnh bởi nhu cầu tiêu thụ dầu đang phục hồi mạnh mẽ khi các nước tháo gỡ các biện pháp phong toả, mở cửa trở lại nền kinh tế. Điều này càng làm gia tăng tình trạng khan hiếm trên thị trường dầu thô. Thậm chí, theo nhiều phân tích, tình trạng này sẽ trầm trọng hơn bởi nhu cầu dầu được dự báo tiếp tục tăng cao, do giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đang tăng mạnh và đã chạm mức kỷ lục vào cuối năm 2021.
Ở chiều hướng khác, đà tăng của giá dầu hôm nay bị hạn chế bởi đồng USD mạnh hơn, đạt mức cao nhất 1 năm qua sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố ủng hộ việc tăng lãi suất 25 điểm phần trăm vào cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 15 - 16/3 tới.
Trước đó, vào cuối phiên ngày 3/3, giá dầu thô quay đầu giảm mạnh khi giới đầu tư đặt kỳ vọng Mỹ và Iran sớm đạt được thoả thuận hạt nhân, qua đó mở cửa cho khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày của Iran trở lại thị trường.