Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đến đầu giờ sáng 8/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2022 đứng ở mức 71,87 USD/thùng, giảm 0,18 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 7/12, giá dầu WTI giao tháng 1/2022 đã tăng tới 2,14 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent giao tháng 2/2022 đứng ở mức 75,18 USD/thùng, giảm 0,26 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 2,7 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 7/12.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu được nhận định yếu hơn với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, giá dầu ngày 8/12 quay đầu giảm.
Mặc dù được trấn an rằng biến chủng Omicron không nguy hiểm như cảnh báo và các hãng dược cũng đã vào cuộc để nghiên cứu, nâng cấp vaccine nhưng ảnh hưởng của biến chủng này đối với bức tranh kinh tế toàn cầu là khá rõ. Nhiều nền kinh tế hàng đầu đã tái áp dụng các biện pháp phong toả, hạn chế đi lại… kéo theo đó là sự đình trệ của lĩnh vực hàng không, du lịch.
Giá dầu hôm nay còn chịu áp lực giảm giá bởi các dự báo về tình trạng dư cung trong quý I/2022 của OPEC+.
Tuy nhiên, áp lực giảm giá đối với dầu thô là khá hạn chế khi thị trường dầu thô đang có nhiều nhân tố hỗ trợ, bất chấp những lo ngại, hoài nghi về mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron và lạm phát.
Quyết định tăng giá bán dầu của Saudi Arabia cho thị trường Đông Nam Á và Mỹ cho thấy, triển vọng tích cực từ nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể Omicron vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng rõ ràng, áp lực rủi ro là không lớn khi thế giới đã trải qua hơn 20 tháng “sống chung” với đại dịch, và đã sẵn sàng với tình trạng bình thường mới.
Sự bế tắc trong vòng đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran khiến khả năng dầu thô Iran trở lại thị trường ngày càng ít đi.
Khả năng tăng sản lượng của OPEC+ theo thoả thuận vẫn đang là câu hỏi ngỏ khi những tháng gần đây, mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng của OPEC+ đã không đạt được. Ngoài ra, giá dầu hôm nay cũng được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu.