Trên sàn New York Mercantilae Exchanghe, sáng 10/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 tăng 0,31 cent, tương đương 0,35% lên 89,97 USD/thùng, gần tiệm cận mốc 90 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 3/2022 ổn định ở mức 91,55 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, khi thị trường tiếp nhận thông tin tồn kho dầu thô của Mỹ giảm gần 5 triệu thùng, nhu cầu nhiên liệu tăng cao và nguồn cung ngày càng eo hẹp, dầu thô Brent đã nhanh chóng chạy cùng chiều tăng với WTI.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/2, giá dầu Brent giao tháng 3 đã lấy lại được 77 cent, tương đương 0,9%, lên 91,55 USD/thùng. Dầu thô WTI giao tháng 3 cũng tăng 30 cent, lên 89,66 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 4,8 triệu thùng trong tuần trước xuống 410,4 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018, trong khi tổng sản lượng cung ứng - đại diện cho nhu cầu - đạt mức kỷ lục 21,9 triệu thùng/ngày trong 4 tuần qua.
Giá dầu tăng một phần bởi những lo ngại về “gián đoạn” nguồn cung từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), nơi đã phải hứng chịu các cuộc tấn công từ nhóm Houthi của Yemen.
Phản ứng trước đà tăng của giá dầu, Chính quyền của ông Biden một lần nữa tuyên bố trong tuần này rằng họ đã thảo luận với các nhà sản xuất dầu lớn về tăng sản lượng nhiều hơn, cũng như khả năng “giải phóng” thêm kho dự trữ chiến lược của các nước tiêu thụ dầu lớn như đã từng làm hồi cuối năm ngoái.
Dữ liệu năng lượng lạc quan của Mỹ đã “đẩy” giá dầu tăng trong khi trước đó, cả hai mặt hàng dầu thô Brent và WTI đều đã giảm mạnh bởi triển vọng tăng nguồn cung từ Iran khi Washington nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp với Iran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.