Giá dầu sẽ hạ nhiệt trong năm 2023

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu thế giới được nhiều tổ chức, chuyên gia dự báo sẽ hạ nhiệt trong năm 2023, nhưng tác động không nhỏ đến thị trường xăng, dầu trong nước.

Do đó, Việt Nam cần theo dõi sát tình hình để nhập xăng, dầu ở thời điểm giá cả hợp lý, cùng với đó phát huy cao nhất khả năng tự đáp ứng nhiên liệu từ nguồn cung trong nước.

Dầu, than đá... sẽ xuống giá

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa dự báo, giá nhiên liệu có thể giảm trong năm 2023. Cụ thể, trong Báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa mới nhất, WB dự báo trung bình giá dầu Brent sẽ ở mức 92 USD/thùng trong năm 2023, giảm xuống 80 USD/thùng năm 2024 nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm là 60 USD/thùng.

Xe tiếp xăng, dầu tại một cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Đăng
Xe tiếp xăng, dầu tại một cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Đăng

Theo WB, dù giá năng lượng đang hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn 75% so với mức giá trung bình trong 5 năm qua. Giá khí đốt tự nhiên và than đá dự báo sẽ giảm trong năm 2023, mặc dù năm 2022 đã có mức giá cao kỷ lục. Tuy nhiên, đến năm 2024, giá than đá Australia và Mỹ vẫn sẽ cao gấp đôi so với giá trung bình trong 5 năm trước và giá khí đốt châu Âu có thể cao gần gấp 4 lần.

Căn cứ báo cáo trên, xuất khẩu dầu mỏ của Nga có thể giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng từ lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) với các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt của nước này, cộng với những hạn chế về bảo hiểm và vận tải có hiệu lực từ ngày 5/12/2022. Trong khi đó, việc Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đề xuất áp trần giá dầu mỏ cũng sẽ ảnh hưởng tới lượng dầu xuất khẩu từ Nga nhưng biện pháp này cần sự tham gia của các thị trường mới nổi quy mô lớn và các nước đang phát triển mới có hiệu quả.

Mới đây, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã điều chỉnh hạ dự báo giá dầu Brent trên toàn cầu trong năm 2023 do dự trữ dầu thế giới cao hơn vào cuối năm 2023.

Theo đó, trong báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn tháng 12/2022, EIA dự báo lượng dầu trong các kho dự trữ của thế giới trong nửa đầu năm 2023 sẽ giảm 200.000 thùng/ngày, trước khi tăng gần 700.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023. Giá dầu Brent dự kiến trung bình ở mức 92 USD/thùng trong năm 2023, thấp hơn 3 USD so với dự báo trước đó.

Tổng hòa giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung

Từ góc nhìn của cơ quan lập pháp của Việt Nam về xu hướng giá dầu đến hoạt động kinh doanh của nền kinh tế nói chung và khối DN nói riêng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, hoạt động dầu khí có nhiều rủi ro, có tính quốc tế nên cần quan tâm đến thông lệ quốc tế.

Đơn cử như Luật Dầu khí (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí - hoạt động thượng nguồn dầu khí, còn các hoạt động trung nguồn và hạ nguồn của ngành dầu khí, như lọc hóa dầu, sản xuất phân bón và sản xuất điện, được điều chỉnh bằng các luật khác. Do vậy, trong bối cảnh thị trường và điều kiện đất nước cho thấy, việc đồng bộ Luật Dầu khí (sửa đổi) với các quy định của luật khác là cần thiết.

Quan tâm đến giải pháp xây dựng kho dự trữ xăng, dầu quốc gia, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, với bất cứ quốc gia nào, an ninh năng lượng cũng đều quan trọng. Trong bối cảnh địa chính trị biến động liên tục, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra, bất kỳ quốc gia nào cũng cần phải dự trữ xăng, dầu.

Dự trữ xăng, dầu gồm dự trữ quốc gia và dự trữ DN. Dự trữ xăng, dầu của DN Việt Nam chỉ đủ cho cả nước dùng khoảng 6 ngày. Bài học từ thực tế trong thời gian qua là khi giá xăng, dầu thế giới tăng cao, quốc gia nào có dự trữ tốt thì mức độ an ninh năng lượng tương đối an toàn và không chịu tác động nhiều đến kinh tế - xã hội.

Đề cập về giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tiến cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động, thực hiện hiệu quả các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11/2022 để bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội. Trên cơ sở đó chú trọng một số vấn đề như cần thiết phải đánh giá kiện toàn hệ thống phân phối xăng, dầu để tinh giản chi phí trung gian.

“Các DN đầu mối cần chủ động trong tìm kiếm nguồn hàng, đàm phán để có được mức premium tốt nhất. Như vậy, việc giao kế hoạch cho các DN đầu mối là rất quan trọng, tránh bị động” - ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.

Mặc dù các bộ, ngành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để sớm ổn định thị trường xăng, dầu, song theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần khẩn trương hơn nữa trong việc đề xuất, dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng, dầu. Nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng, dầu, quỹ bình ổn giá xăng, dầu, việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kinh doanh xăng, dầu.

Chủ động kế hoạch dự trữ, nhập khẩu xăng, dầu

Thông tin về nguồn cung xăng, dầu trong nước trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam chỉ nhập khoảng 20 - 25% nguồn xăng, dầu từ bên ngoài, nên không được các nước ưu tiên trong cung cấp nguồn hàng. Trong khi đó, việc các nước EU áp giá trần với xăng, dầu của Nga nên có thể dẫn tới giảm sản lượng, nguồn cung và việc nhập khẩu khó khăn hơn.

Đáng nói, mặc dù nguồn cung xăng, dầu hiện nay, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2023 được Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cam kết đảm bảo nhưng đối với nguồn cung xăng, dầu trong năm 2023, các DN đầu mối cần có phương án chuẩn bị, đặc biệt khi các nhà máy xăng, dầu bảo dưỡng theo định kỳ.

“Dự kiến trong tháng 5, tháng 6/2023, nhà máy lọc dầu Bình Sơn bảo dưỡng định kỳ nên các DN phải có kế hoạch nhập khẩu trước. Vì vậy, các đơn vị cần thực hiện tốt dự trữ, lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng, dầu tối thiểu đã được phân giao” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý.

Tại cuộc họp về Kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng, dầu tối thiểu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng, dầu tối thiểu năm 2023. Theo đó, kịch bản 1, tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25 triệu 900.000m3; kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26 triệu 760.000m3. Sản lượng này sẽ được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng, quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong kế hoạch phân giao này, Bộ yêu cầu các DN tách bạch tương đối giữa sản lượng nhập khẩu và mua hàng sản xuất trong nước. Nếu DN nào không có đủ năng lực thì liên kết với nhau để nhập. Từng DN phải có sản lượng nhập để khẳng định trong mọi tình huống có nguồn cung ra thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các DN đầu mối thường xuyên báo cáo phản ánh những chi phí thực tế phát sinh để cập nhật với Bộ Tài chính. Đây là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các thương nhân đầu mối. Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 1/1/2023, Bộ Công Thương sẽ quản lý theo hệ thống, áp dụng công nghệ số để quản lý từ DN đầu mối đến phân phối, đến từng cửa hàng bán lẻ để kiểm soát tình hình hoạt động kinh doanh xăng, dầu hiệu quả hơn.

 

"Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam mong muốn các chính sách về xăng, dầu hiện tại sẽ được duy trì hết quý II/2023, để các DN tiếp tục có thời gian cải thiện hiệu quả hoạt động bằng nhiều biện pháp và dự phòng được rủi ro cho các hoạt động liên quan tới biến động giá nhiên liệu." -

Quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo