Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu tiếp đà lao dốc

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều nỗ lực tìm kiếm nguồn cung đang bị thiếu hụt đẩy giá dầu thô tiếp tục giảm 1%.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 15/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 được giao dịch ở mức 102 USD/thùng, giảm 1,03 USD, tương đương 1%. Còn giá dầu thô Brent giao tháng 5/2022 chững ở mức 106,9 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhìn nhận, ngày 14/3, giá dầu giảm hơn 5%, xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần trong bối cảnh hy vọng về tiến triển ngoại giao Nga-Ukraine.

Theo đó, dầu Brent giao sau đã giảm 5,77 USD, tương đương 5,1%, xuống 106,90 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI giảm 6,32 USD, tương đương 5,8%, xuống 103,01 USD/thùng. Đây là mức chốt phiên thấp nhất đối với WTI kể từ ngày 28/2 và thấp nhất đối với Brent kể từ ngày 1/3.

Trong phiên giao dịch ngày 14/3, dầu WTI đã có thời điểm giảm tới 8,75% và được giao dịch ở mức 99,76 USD/thùng, còn dầu Brent cũng rớt 8% xuống 103,68 USD/thùng. Dù “lao dốc” mạnh phiên đầu tuần, nhưng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cả Brent và WTI đều tăng giá.

Đặc biệt tính từ đầu năm, 2 mặt hàng dầu này đã tăng khoảng 36%. Kaushal Ramesh, nhà phân tích của Rystad Energy cho biết, giá dầu đang phản ánh tâm lý giảm giá do kỳ vọng về những diễn biến tích cực trong vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine.

Vòng đàm phán thứ tư này được thực hiện dưới hình thức trực tuyến thay vì trực tiếp như 3 vòng đàm phán trước. Tại vòng đàm phán này, Ukraine đã yêu cầu Nga đưa ra lệnh ngừng bắn, rút quân ngay lập tức và bảo đảm an ninh. Giá dầu cũng được dự báo giảm khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến bắt đầu tăng lãi suất trong tuần này, đồng nghĩa với việc thúc đẩy đồng bạc xanh.

Các nhà phân tích tại tập đoàn tư vấn năng lượng EBW Analytics lưu ý rằng "một đợt bùng phát Covid-19 mới ở Trung Quốc đang dẫn đến tình trạng "đóng cửa" do Omicron lây lan nhanh chóng". Một tỉnh ở Đông Bắc Trung Quốc đã cấm du lịch vì sự bùng phát của Omicron.

Điều này có thể làm giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu vì Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than lớn nhất thế giới. Hiện sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga đã tăng lên 11,12 triệu thùng/ngày kể từ đầu tháng bất chấp các lệnh trừng phạt.