Giá dầu về mức âm, PVN bị ảnh hưởng lớn đến doanh thu

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ giảm xuống dưới 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử và chốt phiên ở mức âm 37,63 USD/thùng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đưa ra nhận định về giá dầu và cung cầu trên thị trường trong ngắn hạn, trung hạn, cũng như mong muốn những chính sách để hỗ trợ cho ngành dầu khí do ảnh hưởng của Covid-19.

Doanh thu sụt giảm
Theo PVN, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2020 trên sàn giao dịch NYMEX (New York, Mỹ) ngày 20/4, chốt ở mức (-) 37,63 USD/thùng. Mức giá thấp này chưa từng có trong lịch sử.
PVN lý giải, thứ nhất, ngày 21/4 là ngày chốt hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2020. Vào ngày này, người mua hợp đồng này phải đưa ra quyết định có nhận lô dầu này hay không. Nếu nhận thì họ phải đóng hợp đồng và sẽ nhận lô dầu vật chất. Tuy nhiên, với tình trạng nhu cầu dầu thô sụt giảm mạnh trên thế giới do dịch Covid-19 hiện nay, dầu thô vẫn được sản xuất trong khi các kho chứa đầy và thuê kho để chứa là không thể hoặc với chi phí rất cao. Do vậy, một số người sở hữu hợp đồng này đã quyết định “bán tháo” với mọi giá tại 2 giây cuối cùng của phiên giao dịch và giá khớp tại 2 giây cuối cùng này được coi là giá chốt phiên.
Giá dầu giảm sâu về mức âm đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của PVN.
Thực chất giá (-) 37,63 USD/thùng là mức giá được giao dịch giữa các trader trên sàn giao dịch chứ không phải là giá giao dịch giữa nhà sản xuất dầu thô và người sử dụng cuối cùng (Nhà máy lọc dầu). Số lượng dầu giao dịch ở mức (-) 37,63 USD/thùng này rất thấp, ghi nhận khối lượng khoảng 600.000 thùng.
Thứ hai, trong phiên giao dịch hôm qua, giá dầu trên các sàn giao dịch cho tháng 5/2020 có giảm nhiều nhưng giá dầu Mỹ ngọt nhẹ giao tháng 6 trên sàn giao dịch NYMEX vẫn duy trì ở mức khoảng 20 USD/thùng và giá dầu Brent trên sàn giao dịch ICE (London) vẫn ở mức 25,6 USD/thùng.
GIÁ DẦU (FUTURES) TRÊN ICE & NYMEX
Đơn vị: USD/thùng

  

 Brent (ICE)

 WTI (NYMEX)

17/4/2020

20/4/2020

 Thay đổi

17/4/2020

20/4/2020

 Thay đổi

Tháng 5/2020

 

 

 

18,3

      (37,6)

-55,9

Tháng 6/2020

28,1

         25,6

-2,5

25,0

         20,4

-4,6

Tháng 7/2020

31,6

         29,2

-2,4

29,4

         26,3

-3,1

Do vậy, việc giảm giá WTI mang tính cục bộ tại Mỹ (do sức chứa và cung cầu) có ảnh hưởng mạnh tới tâm lý trên thị trường. Tuy nhiên, yếu tố này sẽ chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn. Theo dự báo của các hãng dự báo nổi tiếng (IHS, WM) và các nhà phân tích của Mỹ giá dầu thô giảm chỉ trong ngắn hạn và sẽ đi lên trong tháng 6 hoặc tháng 7/2020.
Trong ngắn hạn, nhu cầu thế giới giảm mạnh gần 30 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái trong khi đó thỏa thuận OPEC+ chỉ cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6 và có hiệu lực từ đầu tháng 5 nên dự báo trong tháng 4 giá dầu có thể giảm chút ít, tháng 5 sẽ dừng giảm với dao động biên độ nhỏ.
Về trung hạn, cầu tăng dần từ sau tháng 5 khi các nước trên thế giới gỡ dần phong tỏa, đặc biệt các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu kết hợp với cung giảm dần theo thỏa thuận OPEC+ và một số công ty khai thác Mỹ phá sản hoặc buộc phải giảm sản xuất vì giá bán thấp hơn chi phí khai thác sẽ làm cân bằng cung-cầu cải thiện và giá dầu sẽ tăng dần, dự kiến cuối năm 2020 khoảng 40 USD/thùng, cuối 2021 có thể đạt lại mức khoảng 60 USD/thùng.
Trong dài hạn, do giá dầu ở mức thấp trong thời gian dài, các công ty dầu khí đều cắt giảm đầu tư thăm dò và phát triển mỏ, dẫn đến nguồn cung giảm. Tuy nhiên, cả về trung và dài hạn, việc hồi phục thị trường phụ thuộc nhiều vào kết quả khống chế dịch Covid-19 (tìm ra vaccine/thuốc chữa), giá dầu sẽ tăng khi nền kinh tế thế giới, đặc biệt các nước G20 phục hồi.
Về việc giá dầu xuống mức âm như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến doanh thu và hiệu quả hoạt động sản xuất của PVN và các đơn vị thành viên trong giai đoạn hiện nay và trong cả năm 2020? Tập đoàn cho rằng, công thức giá bán dầu Việt Nam dựa trên trung bình giá tháng giao dầu của dầu Dated Brent do Platts định giá. Vì vậy, doanh thu của PVN cũng ảnh hưởng bởi dao động của giá dầu Brent do tâm lý chung của thị trường khi giá dầu WTI giảm sâu kỷ lục.
Theo định giá của Platts, giá dầu Dated Brent ngày 20/4/2020 là 19,1 USD/thùng, giảm 1 USD/thùng so với giá ngày 17/4. Trung bình từ đầu tháng 4, giá dầu Dated Brent ước đạt khoảng 20,5 USD/thùng.
 Nguồn: Platts
Việc giảm giá dầu trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả của PVN và các đơn vị thành viên trong cả 5 lĩnh vực kinh doanh chính của PVN ở mức độ khác nhau.
Đối với lĩnh vực khai thác dầu khí, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 55 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng). Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm. Các nhà máy lọc dầu (NMLD) bị lỗ do tồn trữ, chênh lệch giá sản phẩm thấp (có lúc giá xăng thấp hơn giá dầu), nguy cơ dừng hoạt động do tồn kho cao. Về lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Điều đó dẫn đến nộp ngân sách toàn Tập đoàn giảm khoảng 18,6 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng).
Nỗ lực bản thân
Trước tình hình đó, PVN đã đưa ra giải pháp để ứng phó với biến động chưa từng có trong lịch sử trên thị trường dầu thô hiện nay. Đó là, ngay từ khi dịch bệnh có nguy cơ xảy ra và tác động kép của khủng hoảng giá dầu từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2020, PVN đã chủ động tập trung nghiên cứu và đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 và khủng hoảng về giảm giá dầu để xây dựng và triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp ứng phó (bao gồm các giải pháp về quản trị, đầu tư, tài chính, thị trường và cơ chế chính sách).
 Giàn công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ.
Cụ thể, một là nhóm giải pháp về quản trị: Toàn ngành tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh (tối thiểu 15%), giảm lương (10 - 20%), giảm hội họp, giao lưu... tăng cường quản trị chi phí tối ưu, triển khai áp dụng các công cụ, giải pháp nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất lao động.
Hai là, nhóm giải pháp về tài chính: đánh giá tác động dòng tiền, có phương án hạn chế tác động và tận dụng cơ hội tối ưu, tái cơ cấu nguồn vốn, giảm chi phí vốn; tiết giảm chi phí lãi vay; huy động vốn vay; tăng cường quản lý thu hồi công nợ; cơ cấu lại các khoản nợ; đàm phán điều chỉnh lãi vay…
Ba là, nhóm giải pháp về đầu tư: Cập nhật, đánh giá, phân loại xác định nhóm các dự án ưu tiên; phân kỳ đầu tư, điều chỉnh tiến độ hợp lý; giãn dừng các dự án chưa thực sự quan trọng; tăng cường kiểm soát các hợp đồng; tìm kiếm cơ hội đầu tư mua mỏ tận dụng giá dầu thấp…
Bốn là, nhóm giải pháp về thị trường: bám sát diễn biến cung cầu, giá dầu thô và sản phẩm để có giải pháp kịp thời; đa dạng hóa kênh phân phối, tăng thị phần bán lẻ; xây dựng chính sách bán hàng linh động; mở rộng và tích hợp hệ thống phân phối để chia sẻ, tiết giảm chi phí; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp; song song kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét có các chỉ đạo định hướng cân đối cung cầu, khuyến khích sản xuất trong nước, xử lý gian lận thương mại…
Năm là, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách: báo cáo kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành xem xét điều chỉnh sửa đổi một số chính sách thuế để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn…
Tập đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo và nhiều tổ chuyên môn để cập nhật hàng ngày tình hình diễn biến thị trường, tình hình sản xuất, kinh doanh để kịp thời ứng phó khó khăn với dịch bệnh Covid-19 và giá dầu sụt giảm. PVN đã có báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Mong giải pháp hỗ trợ
Trước ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên mua dầu dự trữ khi giá dầu thô xuống thấp như hiện nay để tiết kiệm tài nguyên. Theo PVN, trong tình hình giá dầu thấp như hiện nay, việc mua dầu thô để tích trữ là hướng đi đúng đắn và hợp lý mang lại nhiều cơ hội cho đất nước. Tuy nhiên, thực tế có một số khó khăn như chưa có cơ chế chính sách về rủi ro cho hoạt động này (khi mua bắt đáy dẫn đến thua lỗ); Hạ tầng lưu chứa còn hạn chế, không có kho dự trữ quốc gia, hiện nay chỉ có 2 kho chứa dầu thô của 2 NMLD (Dung Quất, Nghi Sơn) phục vụ cho sản xuất của Nhà máy là chính. Việc thuê tàu trữ dầu không khả thi vào thời điểm này do tiềm lực tài chính còn khó khăn đặc biệt trong giai đoạn này.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Để vượt qua khó khăn về giá dầu và tác động của dịch Covid-19 như hiện nay, PVN mong Chính phủ có giải pháp hỗ trợ ngày tài chính bằng các khoản vay giá rẻ về vốn lưu động cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Giãn khoản nợ vay tại các dự án/doanh nghiệp khó khăn của ngành.
Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho phép PVN và các đơn vị thành viên được sử dụng khoản tiền gửi của PVN và các đơn vị thành viên tại Ocean Bank hoặc cho phép được sử dụng khoản tiền này để thanh toán các nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.
Thứ nữa, điều tiết thị trường bán lẻ xăng dầu, xem xét tạm dừng nhập khẩu xăng dầu, xem xét cân đối cung cầu giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu, điều hành giá xăng dầu ở mức hợp lý để duy trì hoạt động cho chuỗi sản xuất, kinh doanh từ khai thác đến chế biến, cung ứng sản phẩm để cứu nền kinh tế chung của đất nước, duy trì công ăn việc làm của người lao động.
Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo tăng cường hợp tác trong khâu phân phối sản phẩm giữa các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cùng phân phối tiêu thụ sản phẩm: Như PVN, Petrolimex, Vinachem…
Bên cạnh đó, áp dụng một số giải pháp thuế trong giai đoạn hiện nay: Đưa sản phẩm phân bón vào diện sản phẩm phải chịu thuế VAT với mức thuế suất 0%; đưa sản phẩm xăng dầu được chế biến từ tài nguyên dầu thô khi xuất khẩu được vào chịu thuế VAT; Xem xét bỏ quy định về thuế suất thuế xuất khẩu đối với sản phẩm phân bón.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu thực hiện các giải pháp, tận dụng tối đa dung tích các kho, bể chứa xăng dầu hiện có để tăng cường nhập khẩu xăng dầu (dầu thô và các sản phẩm xăng dầu). Huy động toàn bộ các doanh nghiệp kể cả quân đội, doanh nghiệp tư nhân nếu có các bồn chứa đủ tiêu chuẩn phòng chống chữa cháy đảm bảo chứa xăng dầu theo tiêu chuẩn quy định… nên huy động tối đa để tích trữ một lượng xăng dầu lớn. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất vay vốn; cung cấp đủ ngoại tệ… cho các doanh nghiệp, các đơn vị được phép nhập khẩu xăng dầu trong giai đoạn này hết sức quan trọng.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần