Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá điện khiến doanh nghiệp tăng 0,07% chi phí sản xuất

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/12, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức họp báo về quyết định tăng giá điện lên mức bình quân 1.710 đồng/kWh kể từ ngày 1/12.

Đã minh bạch hơn

Bộ Công Thương cho biết, việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017. Theo đó, quy định mới về giá điện thì từng khung giá bán điện cho từng khách hàng như đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh doanh, sinh hoạt… vẫn tương tự như trước đây.
Toàn cảnh buổi họp báo.
Đánh giá về đợt điều chỉnh lần này, ông Nguyễn Minh Đức - chuyên gia Ban Pháp chế (VCCI), một thành viên trong Tổ công tác kiểm tra giá thành điện cho biết, nguyên lý tính giá điện hiện nay tính tổng chi phí và tổng sản lượng sau đó chia ra. Việc kiểm tra chi phí sản xuất điện đã minh bạch hơn so với trước đây nhưng vẫn có thể minh bạch hơn.

Trả lời các cơ quan báo chí câu hỏi tăng giá điện thêm 6,08% có đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài hay không, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những cơ chế thu hút đầu tư là điều hành giá điện phải theo những thông số yếu tố đầu vào, chi phí mua điện từ các đơn vị phát điện trong đó có các yếu tố như tỷ giá, chi phí bán lẻ, chi phí mua điện trên thị trường điện… “Khi điều chỉnh cơ chế phù hợp thì tôi tin sẽ thu hút đầu tư vào ngành điện", ông Tuấn trả lời.

"Giá điện tăng không chỉ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân mà còn cho DN, nên sẽ ảnh hưởng đến mức giá mặt hàng. Chúng tôi không được tham gia quyết định giá bán, nếu được tham gia thì còn minh bạch hơn vì chúng tôi là đại diện khách hàng. Đây là mua bán, do đó giá cả cần người mua và người bán thỏa thuận, người mua được mặc cả chứ không chỉ riêng người bán đưa ra giá và người mua chấp", ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng.
Cũng theo ông Tuấn, Bộ Công Thương đang tích cực trong thị trường bán buôn cạnh tranh để thu hút đầu tư trong ngành điện. "Trong cơ cấu nguồn, chúng tôi đã tính toán cho điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, trong phương án giá điện 2017, chưa có nhà máy điện mặt trời nào lớn để phát điện, còn điện gió thì đã và đang vận hành và tính toán giá thành 2017", ông Tuấn nói.

Tăng 0,08 CPI

Đánh giá tác động tăng giá điện đến người thu nhập thấp, nhất là các hộ nghèo, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, thống kê 2016, có 5,4 triệu khách hàng tiêu thụ từ 50 - 100 kW/h. Dưới 50 kW/h có khoảng 4,1 triệu hộ và khoảng 2 triệu hộ tiêu thụ tới 200kW/h. Tuy nhiên, Chính phủ đã và đang hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách mức 50kW/h của bậc thang đầu tiên, theo đó các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 51.000 đồng/tháng. Đối tượng nào được hưởng thì theo quy định chung của Nhà nước. Tổng số tiền hỗ trợ khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.
Công nhân EVN Hà Nội kiểm tra tram biến áp trên bờ Hồ.
Về tác động đến lạm phát và chi phí sản xuất của DN, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ ngành tham gia đóng góp ý kiến. Theo Bộ KH&ĐT, giá điện làm tăng 0,07% giá sản xuất và làm tăng 0,08% CPI trong năm 2017. Còn theo ông Nguyễn Cường Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN, trong 2,8 triệu hộ dùng điện thì 78% dùng dưới 200 kW/h. Theo tính toán của các chuyên gia thì CPI bị ảnh hưởng 0,1%, còn GDP bị ảnh hưởng 0,68%.

EVN còn lỗ 9.000 tỷ đồng

Về khoản treo khoảng 9.000 tỷ đồng lỗ tỷ giá của EVN, ông Tuấn cho biết, ở thời điểm hiện nay, việc huy động vốn trong nước cho đầu tư phát triển nguồn điện là rất hãn hữu vì room trong ngành điện rất hạn chế hoặc không có. “EVN vẫn còn treo khoản 9.000 tỷ đồng lỗ do biến động tỷ giá từ nhiều năm trước, đây là một con số rất lớn chưa được phân bổ vào giá thành điện”, vị này nói. Đồng thời thông tin, theo yêu cầu thì lỗ phải đưa vào biểu giá điện ngay lập tức, nhưng Chính phủ không làm như vậy luôn mà Bộ Tài chính đã đưa vào trong từng năm và có lộ trình cụ thể.

“Nếu khoản tiền EVN bị lỗ 9.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá mà đưa ngay vào giá bán lẻ điện thì sẽ gây áp lực rất lớn lên giá. Riêng trong khâu phát điện thì chênh lệch tỷ giá năm trước sẽ được thanh toán trong năm sau và như vậy một phần chênh lệch tỷ giá của năm 2016 và những năm trước cũng đã đưa vào một phần và theo lộ trình thì hàng năm sẽ đưa thêm vào biểu giá điện bán lẻ", ông Tuấn cho biết thêm.

Thông tin thêm về nội dung trên, ông Nguyễn Cường Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết: Lỗ tỷ giá thường xuyên xảy ra cho nên để giảm bớt áp lực thì cần phân bổ khoản này ra các năm khác nhau do đó cần dựa vào tình hình kinh doanh các năm để phân bổ cho phù hợp.

Liên quan tác động việc tăng giá điện từ 1/12/2017: Các hộ nhóm kinh doanh dịch vụ tăng chi phí thêm 5,7%, khách hàng sản xuất là 1,4%, khách hàng sinh hoạt là các hộ sử dụng tới 50 kwh/tháng: Tăng 3.250 đồng/tháng, tới 100kwh là 6.600 đồng/tháng, 300kwh là 23.000 đồng/tháng và tới 400 kwh là 34.800 đồng/tháng. Hiện có 5,4 triệu khách hàng chiếm 22,7% có tiêu thụ từ 50 - 100kwh, Có 4,1 triệu hộ tiêu thụ (chiếm 17%) dưới 50 kwh Tới 200 là 5,2 triệu hộ. Tăng giá điện làm tăng 0,07% giá sản xuất và làm tăng 0,08% CPI trong năm 2017.