Dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa có động thái gì trước đề xuất này, nhưng nếu đề xuất của ngành than được thông qua, việc tăng giá điện là điều khó tránh khỏi.
Than càng bán càng lỗ
Lý do mà Vinacomin đưa ra là, nếu giá bán than cho điện không được điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành và thu nhập của người lao động. Trước đó, những thông tin "ảm đạm" cũng được ngành than công khai với người dân, như than đang tồn kho lớn, đang gặp nhiều khó khăn do giá xuất khẩu giảm mạnh, giá bán than cho điện đang thấp dưới giá thành. Ngoài ra, nhiều yếu tố của nền kinh tế đang khiến ngành này đứng trước nguy cơ thua lỗ trầm trọng.Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin cho biết, từ 15/9/2012, giá than bán cho điện đã được điều chỉnh một bước, nhưng hiện cũng mới bằng 71 - 73% giá thành sản xuất năm 2011 đã được kiểm toán. Nếu so với giá thành năm 2013 thì giá than bán cho điện mới bằng khoảng 63 - 66% giá thành. "Hiện khoản bù lỗ giá than bán cho điện, chúng tôi vẫn chưa có nguồn để cân đối" - ông Biên nói.
Kiểm tra hệ thống hầm lò tại Công ty 35 thuộc Tổng Công ty Đông Bắc.Ảnh: Thu Nga
Trong văn bản gửi Bộ Công Thương và Chính phủ, Vinacomin đề nghị cho phép điều chỉnh giá than theo lộ trình đảm bảo cuối quý I/2013 giá than ngang bằng giá thành năm 2011 đã được kiểm toán, từ quý III/2013 giá than sẽ bằng giá thành 2013, sau đó tiến tới theo giá thị trường như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả chỉ còn chờ sự đồng ý của các bộ, ngành và Chính phủ là giá than sẽ được điều chỉnh.
Cần giải bài toán hiệu quả và tăng giá
Dù đến nay EVN chưa có động thái gì trước đề xuất của Vinacomin, nhưng lo ngại điện tăng giá lại trở nên thường trực. Lo ngại này không hẳn thiếu căn cứ, bởi theo quy chế về điều chỉnh giá điện hiện hành, EVN cũng được phép điều chỉnh giá điện khi thông số đầu vào tăng 5%. Trong khi đó, theo dự thảo về giá điện đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, chỉ cần các thông số đầu vào tăng 2% là EVN đã có thể toàn quyền được quyết định điều chỉnh giá điện. Bên cạnh đó, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm thường là giai đoạn nắng nóng nên nhu cầu điện tăng rất cao. Theo tính toán của EVN, dự kiến điện sản xuất toàn hệ thống sẽ tăng 11% so với năm 2012, sản lượng điện tiêu thụ trong mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 6) là 64,1 tỷ kWh, tăng khoảng 10,58%. Trước tình hình sản xuất điện phục vụ mùa khô khó khăn như hiện nay cộng với những biến động của giá nguyên liệu đầu vào, EVN khó tránh khỏi việc phải đề xuất tăng giá điện.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ giá, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Than tăng giá một, điện cũng tăng giá một như lâu nay là không thể chấp nhận được. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cần phải tính toán, làm rõ, nếu không là chưa hết trách nhiệm với người dân. Mặc dù rất ủng hộ việc giá của các ngành khai thác tài nguyên phải được xem xét, điều chỉnh để việc khai thác than tiết kiệm hơn nhưng bà Phạm Chi Lan lập luận: "Ngành than chưa phải đã có ý thức tiết kiệm tài nguyên mà họ kêu tăng giá chỉ vì lợi ích của ngành than mà thôi". Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm: "2 ngành than và điện vẫn còn sự lãng phí lớn, đây là bài toán hiệu quả, chứ không chỉ là bài toán giá".
Điều quan trọng nhất vẫn là việc tăng giá điện phải được các cơ quan tài chính kiểm tra chặt chẽ và minh bạch. Đồng thời, giá các nguyên liệu đầu vào rất cần phải xem xét cụ thể, xem cơ cấu nguồn điện có gì thay đổi không, xem lượng than, dầu, khí để chạy máy phát điện thay đổi như thế nào.