Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia đình 3 đời gói bánh Tét trứ danh, thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, lò bánh tét Huỳnh Thị Trọng vẫn luôn đỏ lửa. Đối với những thế hệ sau tiếp nối nghề này, không chỉ vì thu nhập ổn định mà còn mong muốn gìn giữ nghề truyền thống và phát triển thương hiệu của gia đình.

Chị Lê Đường Tuyết Vân - quản lý lò bánh Tét Huỳnh Thị Trọng đang phân loại bánh theo nhân. Ảnh Hồng Thắm 
Chị Lê Đường Tuyết Vân - quản lý lò bánh Tét Huỳnh Thị Trọng đang phân loại bánh theo nhân. Ảnh Hồng Thắm 

3 đời lưu giữ nghề truyền thống

Mỗi dịp Tết đến, trong hẻm 56 đường Thái Thị Nhạn, phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ lại rộn ràng tiếng nói cười của các thợ gói bánh Tét. Đây là địa chỉ của thương hiệu bánh tét lá cẩm nổi tiếng tại Cần Thơ – bánh Tét Huỳnh Thị Trọng (bà Sáu Trọng).

Tại lò bánh Tét lá cẩm Huỳnh Thị Trọng những ngày gần Tết, lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười của các thợ gói bánh. 

Bà Sáu Trọng là người đầu tiên nghĩ ra cách dùng màu của lá cẩm được tạo nên hương sắc và tăng độ dinh dưỡng cho bánh Tét truyền thống. Đặc biệt, nghề truyền thống này đã được các con, cháu của bà tiếp nối, giữ gìn qua 3 thế hệ.

Tiếp nối nghề truyền thống từ bà ngoại, chị Tuyết Vân và các thành viên gia đình vẫn luôn cần mẫn với nghề để lưu giữ hương vị ẩm thực Việt. Ảnh Hồng Thắm
Tiếp nối nghề truyền thống từ bà ngoại, chị Tuyết Vân và các thành viên gia đình vẫn luôn cần mẫn với nghề để lưu giữ hương vị ẩm thực Việt. Ảnh Hồng Thắm

Chị Lê Đường Tuyết Vân (30 tuổi), cháu ngoại bà Sáu Trọng chia sẻ: Từ lúc học cấp 1, chị đã theo chân mẹ và ngoại để học gói bánh. Dần dà máu nghề thấm vào trong, nên từ năm 5-6 tuổi, chị đã biết gói bánh phụ gia đình. Sau khi bà mất, mẹ và chị vẫn tiếp tục theo đuổi nghề truyền thống này. Tuy có hơi vất vả khi phải thường xuyên thức trắng đêm canh bánh nhưng được lưu giữ linh hồn của món ăn truyền thống đó là hạnh phúc.”

Quá trình gói bánh thường quy tụ cả gia đình cho các công đoạn. Người đàn ông trong gia đình gói bánh Tét khéo léo không thua kém các chị các cô. Ảnh Hồng Thắm
Quá trình gói bánh thường quy tụ cả gia đình cho các công đoạn. Người đàn ông trong gia đình gói bánh Tét khéo léo không thua kém các chị các cô. Ảnh Hồng Thắm

“Thương hiệu bánh Tét Huỳnh Thị Trọng được mẹ dành cả cuộc đời gầy dựng, với trách nhiệm của thế hệ sau, tôi càng mong muốn đưa thương hiệu này vươn xa hơn.”, cô Đường Thị Sinh (con gái bà SáuTrọng) nói.

Tiếp nói những bí quyết từ bà Sáu để lại, giờ đây gia đình cô Sinh vẫn giữ gìn những nguyên tắc trong nấu bánh như kỹ càng trong khâu chọn nguyên liệu hay sử dụng củi than để nấu bánh.

“Để có được bánh nồi Tét ngon, phụ thuộc phần lớn phục thuộc vào khâu chọn nguyên liệu, trong đó nếp quyết định 80% độ ngon. Bánh Tét Huỳnh Thị Trọng chọn nếp cái hoa vàng, thịt từ những nguồn có giấy chứng nhận, không sử dụng phẩm màu, không sử dụng chất bảo quản. Đặc biệt, nét riêng trong khâu chế biến để tạo nên vị đặc trưng của bánh là đậu xanh, nếp đều được xào chung với nước cốt dừa để tăng hương vị khi bánh được nấu chín. Bên cạnh đó, bánh nên được nấu bằng than củi sẽ ngon hơn, để giúp bánh chín đều, không bị nát”, cô Đường Thị Sinh chia sẻ.

Nếp được trộn với nước cốt của lá cẩm tạo nên màu tím bắt mắt và đầy giá trị dinh dưỡng. Ảnh Hồng Thắm
Nếp được trộn với nước cốt của lá cẩm tạo nên màu tím bắt mắt và đầy giá trị dinh dưỡng. Ảnh Hồng Thắm
 

Trong tâm thức văn hóa của người miền Tây, bánh tét là món không thể thiếu trong đời sống ẩm thực cũng như tinh thần. Đặc biệt, trong mỗi dịp Xuân về, việc gói bánh Tét được xem là linh hồn của ngày Tết. Tuy nhiên, ngày nay, cuộc sống bận rộn, nhiều gia đình không có thời gian để tự tay gói bánh, nên nhiều người chọn phương án đặt bánh từ những lò bánh uy tín...

Thu nhập ổn định, doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng

 Theo chị Tuyết Vân, bánh tét lá cẩm có 4 loại, giá bán phân chia theo từng loại nhân: Thập cẩm (nhân trứng muối), đậu mỡ, đậu ngọt và chuối. Nhân ngọt với chuối có giá 40.000 đồng/đòn, đậu mỡ giá 50.000 đồng/đòn. Riêng trứng muối có giá dao động từ 80.000 – 120.000 đồng/đòn.

Để có một mẻ bánh tét lá cẩm, quá trình chế biến rất công phu. Ảnh Hồng Thắm 
Để có một mẻ bánh tét lá cẩm, quá trình chế biến rất công phu. Ảnh Hồng Thắm 

“Những ngày thông thường, lò bánh cho ra khoảng 100 đòn bánh mỗi ngày. Tuy nhiên, Tết đến là mùa cao điểm, mỗi ngày bán từ 400 – 500 đòn. Trước đây, có lúc mỗi ngày gần Tết bán đến 1.000 đòn bánh. Thế nên, Tết nào, nhà cũng thuê thêm khoảng 10 người để phụ gói bánh, mới kịp giao hàng cho khách. Gói bánh Tét không còn là nghề thời vụ như trước đây, gia đình mình bán quanh năm, nên cũng có thu nhập ổn định, mỗi năm lãi khoảng vài trăm triệu đồng.”, chị Tuyết Vân cho biết thêm.

Bánh được gói xong, chờ nấu.
Bánh được gói xong, chờ nấu.

Nhờ vị bánh ngon và hương vị đặc biệt, thương hiệu bánh Tét Huỳnh Thị Trọng ngày càng được nhiều người biết đến. Nhiều cửa hàng ở các tỉnh thành khu vực ĐBSCL, Bình Dương, Đồng Nai… và cả khách ở nước ngoài vẫn đặt hàng ở lò bánh này.

Bánh được hút chân không được bảo quản được lâu và thuận tiện trong vận chuyển. Ảnh Hồng Thắm
Bánh được hút chân không được bảo quản được lâu và thuận tiện trong vận chuyển. Ảnh Hồng Thắm

“Đa phần khách hàng của mình đều ở các tỉnh, thành xa nên để bảo quản tốt bánh, mình phải hút chân không. Điều này giúp bánh được bảo quản lâu hơn và cũng tiện lợi khi gửi hàng bằng đường máy bay.”, chị Tuyết Vân nói.

Khách hàng lựa chọn nhân bánh. Ảnh Hồng Thắm
Khách hàng lựa chọn nhân bánh. Ảnh Hồng Thắm

Bánh Tét không chỉ đơn thuần là món ăn, mà còn mang đậm giá trị truyền thống và nghề gói bánh tét cũng là một trong những nét đẹp văn hóa, đặc trưng của người dân Nam bộ cần được giữ gìn. Các thế hệ sau của lò bánh Huỳnh Thị Trọng vẫn luôn cần mẫn, khéo léo với nghề để giữ gìn hồn ẩm thực Việt dù trải qua bao thăng trầm, từ đó lan tỏa hương vị thơm ngon của bánh Tét lá cẩm đến mọi người và kiếm được nguồn thu nhập ổn định.