Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Gia đình] Khi người vợ không muốn là bình hoa di động...

Hương Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi lấy anh phần vì yêu, vì nét lãng mạn, hào hoa của anh. Phần nữa, tôi cũng chú ý đến khía cạnh kinh tế, khi anh là doanh nhân thành đạt, lại là người được thừa hưởng gia tài của bố mẹ…

Mọi chuyện ban đầu dường như rất suôn sẻ. Lấy anh tôi không cần phải lo thứ gì. Việc nhà có người giúp việc lo, chỉ đến bữa là ngồi ăn, rồi ra uống nước. Tôi có đầy đủ mọi thứ, đều sang trọng. Anh còn sắm cho tôi một chiếc xe hơi nhỏ đẹp để tiện giao lưu với bạn bè. “Mọi thứ thật là ổn” - tôi thường thầm nghĩ. Tuy vậy, thỉnh thoảng gặp bạn bè, được hỏi: “Dạo này mày làm gì?”, tôi cũng hơi bối rối, ầm ừ cho qua chuyện. Cũng có khi tôi vẽ một dự án nào đó mà thuở sinh viên từng ấp ủ để say sưa kể với chúng bạn, khiến chúng trố mắt thán phục. Sau những lần ấy, tôi thở dài nhưng cũng tự động viên: “Đi làm cũng chỉ để kiếm tiền, mình có đủ tiền rồi vất vả làm gì. Nhiệm vụ của mình là sinh con, đẻ cái, lo tổ ấm gia đình”.
 Ảnh minh họa.
Cũng có lần tôi trao đổi với chồng về việc kiếm một việc làm nào đó phù hợp, anh gạt ngay: “Em không cần di làm làm gì. Đi làm để chúng bóc lột mình à?”. Tôi cũng gợi ý hay là anh giúp mở một cái gì đó để tôi làm chủ, kinh doanh vì tôi vốn học trường kinh tế ra. Anh phân tích: “Lúc đó em sẽ tối mặt tối mũi, không còn thời gian lo cho gia đình nữa”.

Sau mấy năm, tôi cũng sinh cho anh đứa bé trai kháu khỉnh. Chăm con, tôi bận rôn hơn, không còn cảm giác mình thừa thãi. Chồng đi làm về nhà thường xuyên hơn, sớm hơn để chơi với con. Đứa con lên ba tuổi, tôi phần vì dồn sức cho con, phần đã quen và quên dần chuyện phải làm cái gì đó. Cuộc sống cứ trôi qua êm đềm. Lũ bạn gặp tôi vẫn khen tôi trẻ đẹp. Không đẹp sao được khi tôi ăn ngon, ngủ yên, diện toàn đồ hàng hiệu, mỹ phẩm cao cấp?

Thế nhưng, một hôm tôi thấy chồng tôi về nét mặt buồn buồn, trông anh không hoạt bát, đĩnh đạc như mọi khi. Tôi trông thoáng qua vậy rồi cũng không để ý gì. Anh vào thay quần áo, rồi chơi với con, ngồi vào bàn ăn cơm như thường lệ. Tối khuya tôi thấy anh trằn trọc, không ngủ được.

Sau đó nhiều ngày, chồng tôi đi làm về dường như thất thường hơn. Nhiều lần anh về sặc mùi rượu bia, điều ít có trước đó. Tôi không dám hỏi anh nhưng có cảm giác bất an. Tôi đành gặp mẹ chồng và được bà cho biết công ty của chồng tôi làm ăn thua lỗ, nhà hàng, khách sạn của anh vì dịch bệnh nên ế ẩm, trong khi vẫn chi trả lương, điện nước… Mẹ chồng tôi nói thêm, tiền của bố mẹ đã cho con hết, chỉ dành một ít để hưởng tuổi già nên khó lòng giúp thêm cho con cái.

Tối đó, trên giường ngủ tôi nói với chồng những điều mình đã biết. Tôi cũng nói, lẽ ra là vợ mình không nên để cho chồng gánh vác mọi chuyện. Tôi xin phép chồng, trước mắt tôi sẽ tự lo việc nhà, nấu ăn, quét dọn... , sau đó sẽ tìm việc làm phù hợp. Lúc này dường như anh đã kiệt sức không phản đối gì nữa, chỉ yếu ớt nói: “Tùy em”.

Tôi đã thảo luận với chồng các biên pháp vượt qua giai đoạn khó khăn. Tôi cũng “xung phong” xin chồng đến nhà hàng của anh làm việc, vừa để lấy kinh nghiệm, vừa có thể góp ý gì đó cho việc kinh doanh. Niềm đam mê làm ăn của tôi trỗi dậy.

May mắn là dịch bệnh được khống chế, kinh doanh nhà hàng dần hồi phục, đỡ cho chồng tôi phần nào. Cuộc sống của gia đình dần đi vào ổn định. Điều hay hơn nữa là thời gian gần đây tôi tự tin hẳn lên, hoạt bát hơn xưa nhiều. Dần dần, chồng tôi giao hẳn nhà hàng cho tôi quản lý. Lũ bạn gặp tôi đều hỏi: “Mày dạo này ít gặp bạn thế? Sao tươi thế?”. Cũng có đứa biết chuyện trầm trồ: “Ôi, bà chủ thật là xinh đẹp”. Tôi hiểu đó là lời khen của bạn bè.

Tôi cũng tự khen mình khi biết vượt qua chính mình, không làm “bình hoa di động” nữa. Tôi cũng cảm ơn chồng, anh đã tạo điều kiện để cuộc sống của tôi trở nên sống động hơn, thú vị và có ích hơn.