Tuy nhiên, chỉ vài ba tháng đầu cưới nhau, chị đã bắt đầu nhận ra chồng mình lười, phó mặc toàn bộ chuyện gia đình từ nhỏ đến to cho cô vợ thân hình mảnh mai, gầy yếu. Chuyện chị mua sắm gì trong nhà từ chén bát đến bàn ghế, ti vi…, khi hỏi anh thì đều nhận được cái xua tay: “Em cứ thế mà làm”. Lúc đầu chị cũng thích thú về điều này vì nghĩ mình được tôn trọng, có vai trò trong gia đình. Dần dần, mọi việc trong nhà chị đều lo, từ mua sắm đồ đạc, nấu ăn lo cơm nước, chăm sóc con… chị làm như là bổn phận tự nhiên, không cần hỏi anh.
Tuy nhiên, do anh cũng đi làm nên việc của anh là phải đóng góp tiền cho gia đình anh cũng không để ý, hàng tháng không hề đưa cho chị đồng nào. Mãi rồi chị cũng không hỏi, không biết chồng chị có lương hay không nữa. Anh dùng các khoản thu nhập của anh để đi uống rượu, uống cà phê cùng bè bạn, hay sắm mấy thứ lặt vặt…
Cuộc sống cứ vậy trôi qua, gia đình vẫn êm đềm. Chị nghĩ rằng, anh vẫn như thuở mới quen, không để ý chuyện lặt vặt… Anh vẫn vui vẻ, đến giờ nếu không có cuộc nhậu nhẹt thì ở nhà ăn cơm với vợ con. Trước đây, anh dùng tiền lương của mình để nhậu thì nay thỉnh thoảng anh xin tiền vợ, với cách nói ngắn gọn: “Đưa anh vài đồng”, rồi cầm tiền, xách xe đi. Chị vẫn cảm thấy mọi thứ bình thường, cũng vì một phần chị có thu nhập tương đối cao…Một hôm chị nói với anh: “Nhà mình rồi sẽ đông lên, em muốn đổi căn hộ rộng hơn, đẹp hơn. Nhà mình đã có người hỏi mua. Em cũng đã nhắm một căn hộ nội đô. Anh thấy thế nào?”. Anh cũng như mọi lần, nhanh chóng đáp: “Em thấy tiện thế nào thì cứ làm thế ấy”. Chị nói: “Nhưng việc này hệ trọng. Anh có ý kiến gì không? Em chỉ mới có…”. Anh lại nói: “Anh đâu biết gì đâu. Em thấy như thế nào thì làm thế đấy là được rồi. Anh nhất trí cả hai tay”. Chị cảm giác choáng váng vì không ngờ cả việc mua nhà đối với anh cũng là chuyện nhỏ. Rồi chị chua chát: Chắc đối với anh chuyện quốc gia, chuyện thế giới mới lớn. Trên mạng xã hội anh thường đàm đạo với bạn bè những chuyện đại sự, kiểu ai nên hay không nên làm Tổng thống Mỹ.Rồi chị cũng tặc lưỡi cho qua, đi tìm căn hộ mới, bán căn hộ cũ, vay thêm tiền từ nội ngoại, ngân hàng… Sau mấy tháng vất vả, ngược xuôi, chuyện đổi nhà cũng hoàn thành. Chị cũng hơi lo lo là mình lại nợ thêm mấy trăm triệu đồng, tính toán kỹ thì cũng phải mất 5 năm mới trả hết nợ. Anh đến nhà mới cũng chỉ nói được một câu: “Nhà rộng nhỉ”. Sau đó, anh lại tiếp: “Đưa anh vài đồng”. Chị nói sau khi đưa cho anh ít tiền: “Em dành tiền để trả nợ hết rồi, không còn tiền để đưa anh nữa đâu nhé”. Anh cười: “OK”.Ấy vậy mà vài ngày sau, anh lại hỏi chị chuyện tiền để đi nhậu. Chị nói: “Em nói trước với anh là hết tiền rồi mà”. Anh không nói gì nhưng vẫn dắt xe máy đi.Rồi cuộc sống vẫn bình thường, vẫn cứ trôi qua như vốn có ở gia đình chị. Tuy nhiên, một hôm đứa nhỏ bị ốm, sốt cao phải đưa vào viện nhi. Chị gọi taxi đưa con đi bệnh viện sau đó gọi anh: “Con ốm phải vào bệnh viện, anh về nhé hoặc lên thẳng bệnh viện cũng được”. Mãi sáng hôm sau anh mới lên, đến chăm con nhưng anh mặc cho chị làm gì thì làm, vẫn cầm smart phone để đọc báo, chơi game… Lúc này, chị khẳng định: Anh không phải là người đàn ông “nam tính”, người hiểu nhiều biết rộng như chị đã nghĩ ở những ngày đầu gặp anh. Chị nói thẳng nhưng điều mình đã nghĩ về anh lúc này, dù có điều gì xảy ra cho gia đình. Trước mắt, anh có vẻ nhận ra khuyết điểm của mình, bỏ điện thoại, xăng xái lấy cái này, lấy cái nọ cho vợ… Anh cũng không hẹn hò bạn bè nhậu để bàn chuyện lớn nhỏ trong thiên hạ nữa.Tuy nhiên, như chị nghĩ, bản tính vô tâm, có phần lười nhác của anh, khó có thể thay đổi ngày một, ngày hai được. Chị thầm trách mình đã không nói thẳng với anh ngay ngày đầu cưới nhau: “Dạy chồng từ thuở bơ vơ mới về”. Chị đã dại dột tự mình làm trụ cột cho gia đình, việc lẽ ra hai vợ chồng cùng gánh vác.