Theo thông tin từ Ban tổ chức lễ tang nhạc sĩ Hồng Đăng và gia đình, tang lễ của nhạc sĩ sẽ diễn ra từ 12 giờ 30 đến 13 giờ 45 ngày 26/3/2022 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu diễn ra vào 13 giờ 45 và di quan vào hồi 14 giờ cùng ngày. An táng tại Nghĩa trang Thiên Đức (Phù Ninh – Phú Thọ).
Thành viên Ban lễ tang nhạc sĩ Hồng Đăng gồm: Trưởng ban là PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Phó trưởng ban là Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; cùng các ủy viên: PGS.TS Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; TS Lê Doãn Hợp – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ VH&TT, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội; nhà văn Ngô Thảo – nguyên Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; ông Lê Thọ Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội truyền thông số Việt Nam; Đại tá, nhạc sĩ Đinh Công Thuận – Chánh Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam và ông Phan Việt Trung – Đại diện gia đình nhạc sĩ Hồng Đăng.
Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật Phan Hồng Đăng sinh ngày 1/1/1936 tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ IV, V, VI (1989- 2005), Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc Việt Nam. Ông từng nhận các giải thưởng, huân chương cao quý: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Huân chương Lao động hạng Nhất; Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội.
Ông học lớp sáng tác khóa đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam và là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội văn nghệ Hà Nội; nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội Giao lưu Văn hóa Việt- Nhật; nguyên Ủy viên Ủy ban Quốc gia Thập kỷ phát triển Văn hóa quốc tế.
Nhạc sĩ Hồng Đăng đã sáng tác hơn 700 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại: Ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu. Nhạc của ông được sử dụng cho hơn 70 bộ phim với những ca khúc nhạc phim nổi tiếng như: “Hoa sữa” (Hà Nội mùa chim làm tổ), “Lênh đênh” (Đời hát rong), “Biển hát chiều nay” (nhiều phim về đề tài biển), “Nỗi nhớ đêm đại dương” (Những hạt muối của biển), “Biển và cô gái tôi chưa quen” (Những ngôi sao nhỏ), “Không gian xanh” (Vùng trời). Ông là người có công trong việc khởi xướng Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam và chính ông cũng được vinh danh trong Con đường âm nhạc năm 2000.