Gia đình xưa và nay

Minh Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vài thập niên trở lại đây, hôn nhân và gia đình Việt Nam đã chứng kiến những biến chuyển quan trọng, từ kiểu mẫu gia đình truyền thống sang kiểu gia đình với những đặc điểm mới, hiện đại và tự do hơn. Mẫu hình gia đình xưa và gia đình nay đã có thay đổi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cũng như các tộc người và các dân tộc khác, người Việt từ xưa đã chung sống thành gia đình. Gia đình theo kiểu truyền thống của người Việt gồm những người sống chung trong một mái nhà có quan hệ hôn nhân và huyết thống, mang đậm bản sắc dân tộc, có những giá trị nhân văn riêng biệt.

Các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau hết sức bền chặt, nghĩa nặng tình sâu. Hiện nay, dưới tác động nền kinh tế thị trường, của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam đang có những biến đổi sâu sắc.

Trước đây, trong một gia đình thường có sự xuất hiện của ông bà, bố mẹ, con cái, theo kiểu "Tam đại đồng đường" hay "Tứ đại đồng đường", điều đó là chuyện rất bình thường ở mỗi ngôi nhà Việt. Điều kiện khó khăn, việc thoát ly ra khỏi tổ ấm dường như rất ít, con cái lớn lên, cưới vợ gả chồng rồi sinh con vẫn cố gắng để ở bên, phụng dưỡng cha mẹ.

Ngược lại, việc sống cùng người già giúp các cặp vợ chồng trẻ giữ được nền nếp, thói quen, gia phong của gia đình, đồng thời biết lễ nghĩa, kính trên, nhường dưới.

Ngày nay, những cặp vợ chồng trẻ thường thích sự tự do, muốn thể hiện được cái tôi và khả năng độc lập cao, có điều kiện kinh tế. Những lý do đó khiến nhiều người quyết định sống riêng, gây dựng một gia đình nhỏ chỉ có hai thế hệ. Không những thế, người phụ nữ ngày càng bình đẳng, không muốn sống cảnh "làm dâu" tại nhà chồng. Vì thế họ lựa chọn việc "ra ở riêng".

Gia đình Việt Nam là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, lý tưởng sống, ứng xử cho con cái, nhưng hiện nay chức năng đó đang dần bị nhạt phai. Nhiều người trẻ tuổi cho rằng những giá trị truyền thống là cổ hủ, lỗi thời. Những phong tục đẹp trong ngày Tết cổ truyền của gia đình Việt Nam cũng bị xem nhẹ. Sự biến đổi từ mô hình gia đình truyền thống sang kiểu gia đình hiện đại đang phải đối diện với những hiện tượng như bạo lực gia đình, ly hôn, sống thử,…

Trong gia đình Việt Nam truyền thống, bữa cơm gia đình là một hình ảnh điển hình nhất, thể hiện tính cộng đồng, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Thời xưa đói kém, nhiều nhà chỉ ăn một bữa cơm, bữa cháo, nhưng tất cả các thành viên đều có mặt đông đủ, để chia sẻ và gặp mặt nhau sau một ngày vất vả. Nhiều người lớn tuổi chưa quên được cảnh một gia đình thôn quê khoảng nhá nhem tối, trải chiếu ra ngoài hiên, quây quần bên mâm cơm, trò chuyện và tận hưởng không gian thoáng đãng cuối ngày.

Cuộc sống của một gia đình hiện đại ngày nay là sáng đưa con đến lớp, bố mẹ đi làm, chiều về đón con, giao lưu, hội họp, làm thêm giờ, học thêm... liên miên, những bữa cơm gia đình dần thưa vắng. Hình ảnh cả gia đình ngồi vui vẻ quanh mâm cơm đã trở nên hiếm hoi; bữa cơm tối duy nhất của cả nhà đôi khi cũng không có mặt đông đủ các thành viên. Khi thì bố hoặc mẹ bận việc, con đi học hoặc đi làm...

Dưới tác động của kinh tế thị trường nhiều giá trị truyền thống gia đình đã có sự vận động và biến đổi phức tạp, những giá trị đạo đức, nếp sống văn hóa gia đình truyền thống có nguy cơ bị mai một đi, thậm chí một số giá trị bị đảo lộn.

Không ít gia đình quá đề cao chức năng kinh tế, đề cao quyền lực vật chất, xem nhẹ quan hệ tình cảm, buông lơi việc giáo dục ý thức trách nhiệm, lối sống lành mạnh cho các thành viên; các thành viên trong gia đình ít được quan tâm, chăm sóc, do đó độ cố kết trong gia đình lỏng lẻo hơn; lối sống thực dụng xuất hiện ngày càng tăng gây nên những mâu thuẫn lớn giữa các thế hệ.