Cụ thể vào cuối tháng 9, giá gà công nghiệp lông trắng chỉ còn 12.000 - 13.000 đồng/kg, gà lông màu chỉ quanh mức 30.000 đồng/kg. Vào thời điểm cuối tháng 10 tuy giá gà lông trắng đã nhích lên khoảng 22.000 đồng/kg, nhưng giá gà lông mầu lại giảm 6000 đồng/kg, hiện giá xuất chuồng chỉ quanh mốc 26.000 - 27.000 đồng/kg.
Trong khi giá bán mặt hàng gia cầm đang giảm sâu, lượng gà nhập khẩu giá rẻ lại đang tăng mạnh. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 9 tháng qua Việt Nam nhập khẩu 215.700 tấn thịt gà trị giá 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này là 861 USD/tấn, tương đương khoảng 19.800 - 20.000 đồng/kg.
Tuy giá bán thịt gà giảm mạnh nhưng giá bán đến tay người tiêu dùng vẫn đang đứng ở mức cao gấp 4 - 5 lần giá xuất chuồng. Khảo sát tại hệ thống chợ truyền thống TP Hà Nội như chợ Châu Long, Thành Công, Thanh Xuân... cho thấy, hiện giá gà ta giao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg; gà công nghiệp 60.000 - 65.000 đồng/kg, đùi và cánh gà nhập khẩu giá dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Tương tự tại một số siêu thị như Big C, Vinmart, Co.oMart... đùi gà công nghiệp chặt miếng 100.000 đồng/kg, đùi gà công nghiệp tháo khớp 115.000 - 120.000 đồng/kg, gà ta đã giết mổ không đầu, không chân giá từ 190.000 - 220.000 đồng/kg...
Lý giải nguyên nhân khiến giá bán không giảm dù giá gà tại các trang trại đang ở mức rất thấp, các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này có chung ý kiến: Hiện giá gà bán buôn tại chợ đầu mối gia cầm 80.000 - 90.000 đồng/kg, sau đó về làm sạch thì phải tính công, cộng chi phí vận chuyển… nên không thể bán giá rẻ hơn 110.000 - 120.000 đồng/kg.
Đại diện siêu thị Co.oMart giải thích, các nhà cung cấp của nhiều hệ thống siêu thị đã ký hơp đồng bao tiêu với hộ chăn nuôi hoặc tự nuôi theo quy trình khép kín nên không giảm giá theo kiểu tự phát. Điều này cũng nhằm đảm bảo ổn định chi phí cho những người chăn nuôi tham gia trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia bán lẻ: Nguyên nhân của tình trạng giá hàng hóa ở nơi sản xuất thì rẻ nhưng về tới tay người tiêu dùng lại tăng 40 - 50%, thậm chí gấp vài lần là do qua nhiều tầng nấc trung gian vô lý khiến giá bán lẻ đến tay người mua bị đội hàng chục lần.
“Một cân muối, quả trứng, mớ rau, quả chanh… mà qua đến 4 - 5 trung gian, mỗi khâu được cộng thêm 12 - 15% tiền lãi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân không kích cầu được nhu cầu tiêu dùng khiến gà tồn trong các trang trại tăng cao.