Gạo tẻ thường tăng theo thị trường
Ngày 20/7, lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng và gạo tấm không phải basmati của Ấn Độ có hiệu lực. Nguyên nhân chính là do thời tiết được dự báo xảy ra hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến quá trình sản xuất lúa gạo. Điều này đã đẩy giá lúa gạo tẻ thường trong nước tăng do nhu cầu xuất khẩu tăng.
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các loại gạo tẻ thường tăng từ 20.000 đến 26.000 đồng/yến so với thời điểm trước đó.
Theo ông Phạm Văn Luân, chuyên kinh doanh gạo tại chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm: "Thời gian gần đây, do giá gạo xuất khẩu tăng nên giá gạo tẻ thường cũng tăng. Tôi nhập vào và bán ra mỗi yến gạo tẻ tăng khoảng 20.000 đồng như gạo xi dẻo, bắc hương, tám xoan, tám Hải Hậu…".
Chia sẻ với phóng viên, bà Bùi Thị Thanh (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) cho biết: “Mặc dù gạo tăng khoảng 20.000 đồng/yến nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều chi phí của gia đình. Bởi hiện nay gia đình tôi sử dụng gạo trong bữa ăn không nhiều. Giá gạo tăng, nếu Nhà nước đảm bảo được nguồn cung trong nước cũng như xuất khẩu đó là việc rất tốt cho các nông dân cũng như doanh nghiệp”.
Theo ghi nhận của phóng viên, giá gạo tẻ thường thấp nhất tại các chợ là xi dẻo, có giá bán khoảng 165.000 đồng/yến, tăng gần 20% so với trước đó. Tám xoan, tám Hải Hậu, bắc hương Hải Hậu, nàng hương đều có giá 185.000 đồng/yến. Bắc thơm 175.000 đồng/yến. Gạo tám Thái Lan có giá từ 210.000 – 220.000 đồng/yến, tám Điện Biên 190.000 đồng/yến.
Gạo cao cấp không tăng giá
Mặc dù gạo tẻ thường tăng nhưng gạo cao cấp cung ứng theo chuỗi không tăng. Cũng theo ông Luân, các loại gạo như séng cù Lào Cai, séng cù Điện Biên, gạo ST24, ST25, gạo nếp đều không tăng giá.
Phóng viên đã gặp gỡ và trong đổi với ông Phan Trọng Tuệ - đại diện Công ty TNHH Gạo Ngon Nhất chi nhánh tại miền Bắc. Hàng tháng công ty xuất khẩu khoảng 300 tấn gạo đi Mỹ, Úc, Nhật Bản… và thị trường trong nước.
Ông Tuệ chia sẻ: “Chúng tôi chuyên phân phối các loại gạo ngon, cao cấp như ST25, ST21 trồng tại Sóc Trăng và phân phối trên địa bàn Hà Nội, cả nước, đồng thời xuất khẩu đi các thị trường khó tính là Mỹ, Úc. Để đảm bảo ổn định giá bán trên thị trường cả nước cũng như xuất khẩu, đơn vị chúng tôi thực hiện phương châm quy hoạch vùng trồng, cung ứng giống, vốn và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Hiện nay, giá gạo tẻ thường trên thị trường tăng nhưng chúng tôi không tăng giá bán, bất kể là cung ứng ở thị trường trong nước hay quốc tế. Hàng vụ, chúng tôi đều ký kết giá lúa ổn định với nông dân. Cung ứng giống đến đâu thu mua lúa hết đến đó. Hiện chúng tôi đảm bảo nguồn lúa gạo xuất khẩu cũng như cung ứng nội địa ổn định theo đơn đặt hàng. Tất cả sản phẩm gạo đều có mã truy xuất nguồn gốc vùng trồng, tiêu chuẩn chất lượng”.
Bà Vũ Ngọc Diệp (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), chia sẻ: “Gia đình tôi nhiều năm nay sử dụng gạo séng cù, ST. Đây đều là các sản phẩm gạo xuất khẩu, có truy xuất nguồn gốc nên yên tâm về an toàn thực phẩm. Mặc dù giá cao hơn các loại gạo tẻ thường nhưng không đáng là bao.
Chi phí cho 1 yến gạo ngon, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm chỉ cao hơn các gạo thường khoảng hơn 100.000 đồng/yến. Bây giờ mọi người cũng không ăn nhiều tinh bột nên tính ra khoản chi phí vào gạo rất thấp. Người dân có tiêu dùng các sản phẩm sản xuất và cung ứng theo chuỗi đảm bảo an toàn thực phẩm thì doanh nghiệp mới chú trọng đến tiêu chí an toàn cho sức khỏe con người”.
Không chỉ có doanh nghiệp Gạo Ngon Nhất mà hầu hết đại lý cung ứng gạo trên thị trường và các doanh nghiệp tại chuỗi bán lẻ như BRGMart, Co.opmart... nhờ việc ký kết hợp đồng với nông dân về vùng trồng lúa và bao tiêu sản phẩm cuối cùng, cho nên những sản phẩm gạo cao cấp như ST25, ST24, ST21, séng cù Điện Biên, séng cù Lào Cai, nếp… đều không tăng giá.
Giá các loại gạo ST được bán trong chuỗi cửa hàng, siêu thị và xuất khẩu từ 350.000 – 450.000 đồng/yến, tùy theo loại gạo và vùng trồng. Gạo séng cù có giá từ 350.000 – 380.000 đồng/yến, cũng tùy theo giống hạt dài, hay tròn và tùy theo vùng trồng.
Qua chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp cũng như đại lý phân phối gạo trên địa bàn Hà Nội cho thấy, việc sản xuất lúa gạo theo vùng sẽ kiểm soát được chất lượng, giá cả đầu ra của sản phẩm. Đồng thời với đó, việc cung ứng đến tay người tiêu dùng theo chuỗi đang mang lại cho người sử dụng hai lợi ích, đó là chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm và giá cả ổn định, không bị thổi giá khi thị trường có biến động.
Đối với doanh nghiệp, việc sản xuất theo chuỗi không chỉ chủ động kiểm soát chất lượng, giá cả đầu vào và đầu ra cho nông sản mà còn chủ động nguồn cung cho xuất khẩu theo đơn đặt hàng của đối tác.