Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá gạo trong nước và xuất khẩu tăng mức cao nhất trong 10 năm qua

Ngô Sơn
Chia sẻ Zalo

Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo từ chính phủ Ấn Độ và Nga, giá lúa gạo tại Việt Nam tăng mạnh. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 550 - 575 USD/tấn tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2011...

Giá gạo trong nước và xuất khẩu tăng mức cao nhất trong 10 năm qua. (Ảnh: Ngô Sơn)  
Giá gạo trong nước và xuất khẩu tăng mức cao nhất trong 10 năm qua. (Ảnh: Ngô Sơn)  

Một thương nhân ngành gạo cho biết: “Các nhà xuất khẩu dự đoán giá gạo sẽ tăng hơn nữa sau động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, và do đó rất rủi ro nếu họ ký hợp đồng xuất khẩu mới lúc này."

Thị trường trong nước cũng bắt đầu tăng ở cả 3 miền: Hà Nội tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg theo từng loại gạo.

Tại miền Tây, giá lúa trong nước nhiều ngày qua cũng tăng thêm 400 - 500 đồng một kg lên 7.000 - 7.200 đồng một kg. Khu vực miền Bắc và Tây Nguyên giá lúa lên 9.000 đồng so với đầu vụ.

Các thương lái cho rằng, nguyên nhân khiến giá gạo tăng cao do nhiều đầu mối và doanh nghiệp gom hàng. Lúa gần ngày cắt liên tục được đặt cọc với giá cao. Đây là thời cơ vàng để người nông dân có lãi lớn, doanh nghiệp có hợp đồng mới, lâu dài.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam thừa nhận giá gạo mấy ngày nay tăng mạnh. Các đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo. Họ tự trả giá cao hơn 10 - 20 USD một tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường, các doanh nghiệp nên tính đến kịch bản giá gạo năm 2008, chúng có thể tái lập lên mức 1.000 USD một tấn trong thời gian tới.

Hiện, các thị trường Trung Quốc, Philipines, Indonesia tranh mua gạo Việt. Số liệu từ Hải quan Việt Nam, nửa đầu năm xuất khẩu gạo đạt hơn 4,2 triệu tấn, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng trên 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng ước đạt 539 USD một tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2022 - mức cao nhất 10 năm qua.

Từ ngày 29/7, trang Telegram của Chính phủ Nga nêu rõ: Chính phủ Nga tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến cho đến ngày 31/12/2023 và quyết định này được đưa ra để duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa.

Nước Nga vốn nổi tiếng với lúa mỳ nhưng gạo vẫn được trồng, chủ yếu ở các vùng phía Tây Nam nước này, gần biên giới với Azerbaijan, Gruzia và Kazakhstan.

Ngoài ra, có một phần sản lượng nhỏ ở miền Đông nước Nga dọc biên giới với Trung Quốc và Triều Tiên. Khoảng 73% sản lượng gạo của Nga được trồng ở vùng Krasnodar.

Cùng ngày, Tổng thống Philippines, ông Ferdinand Marcos Jr. cho biết nước này cần tăng cường các kho dự trữ gạo và ông có thể sẽ tìm kiếm thỏa thuận cung ứng với Ấn Độ, do lo ngại tác động tiềm ẩn của hiện tượng thời tiết El Nino đến mùa vụ và các nhà cung cấp khác.

Philippines, một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, thường mua gạo từ Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng thống Marcos cho biết nguồn cung có thể hạn chế vì nhiều người mua khác cũng đang tìm đến đây. Vì vậy, ông đang cân nhắc việc tìm thỏa thuận cung ứng gạo với Ấn Độ.

Tuần trước, Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu sau khi giá gạo bán lẻ tăng 3%/tháng do mưa gió mùa kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng. Tuy nhiên, New Delhi để ngỏ khả năng ký các thỏa thuận giữa các chính phủ, cho biết sẽ cân nhắc đáp ứng các đề nghị của các quốc gia đang cần mua gạo.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo đã đẩy giá gạo của Ấn Độ lên cao nhất trong 5 năm rưỡi, ở mức 445 - 450 USD/tấn so với 421 - 428 USD/tấn vào tuần trước, ngay cả khi nhu cầu giảm.

Himanshu Agarwal - Giám đốc điều hành tại công ty xuất khẩu gạo Satyam Balajee cho biết: Nhu cầu giảm do sự không chắc chắn sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu thận trọng và không bán.

Một quan chức cấp cao của Bộ Lương thực Ấn Độ cho biết, nước láng giềng Bangladesh, vốn cũng đang phải vật lộn để hạ nhiệt giá lương thực tại thị trường trong nước, không có kế hoạch nhập khẩu ngũ cốc vì năng suất và dự trữ vẫn tốt.